Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI


ĐOẠN THỨ NHẤT

“TÔI TIN” – “CHÚNG TÔI TIN”

SECTIO PRIMA
“CREDO” – “CREDIMUS”


CHƯƠNG III
CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA

CAPUT TERTIUM
HOMO DEO RESPONDET

 

142 1102         Nhờ mặc khải, "do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ, để mời gọi cho họ hiệp thông với Người" (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 2). Đức tin là lời đáp trả thích đáng của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

143 2087         Nhờ Đức Tin, con người đem tất cả trí khôn và ý chí của mình suy phục Thiên Chúa. Con người đặt trọn bản thân qui thuận Đấng mặc khải là Thiên Chúa (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5): Thánh Kinh gọi cách đáp trả này là "sự vâng phục bằng Đức Tin" (x. Rm 1,5;16,26).

 

 

Mục 1
TÔI TIN

Articulus 1: Credo


I. SỰ VÂNG PHỤC BẰNG ĐỨC TIN
De fidei oboedientia  

 

144.     Vâng phục (ob-audire: nghe, lắng nghe) bằng đức tin là tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý, bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn tổ phụ Abraham như gương mẫu của sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo nhất.

Abraham - “tổ phụ của tất cả những người tin”

Abraham – « pater omnium credentium »
145 59, 2570 489        Thư gửi tín hữu Do thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8, x. St 12,1-4). Nhờ đức tin, ông đã sống như kẻ xa lạ và người lữ hành trong đất hứa (x. St 23,4). Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin, ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ (x. St 11,17).

146 1819         Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4,3, x. St15,6). Nhờ "đức tin vững mạnh ấy" (Rm 4,20), ông Abraham trở thành "tổ phụ của tất cả những người tin" (Rm 4,11.18, x. St 15,5).


147 839           Cựu Ước nêu lên rất nhiều chứng từ về đức tin ấy. Thư Do Thái tán tụng đức tin gương mẫu của tiền nhân, "nhờ đó các ngài đã được Thiên Chúa chứng nhận" (Dt 11,2.39). Tuy nhiên, "Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn": ơn được tin vào Đức Giêsu Con của Người, "là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin của chúng ta" (Dt 11,40 ; 12,2).

Đức Maria - "Người Diễm Phúc vì đã tin"

Maria – « Beata quae credidit »
148 494, 2617 506      Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách hoàn hảo nhất lòng vâng phục bằng đức tin. Vì tin rằng "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được" (Lc 1,37) nên Mẹ đã đón nhận lời của sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, và tỏ lòng ưng thuận: "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Bà Êlisabét đón chào Mẹ: "Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết" (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Mẹ sẽ được mọi đời khen là diễm phúc (x. St 18,14; Lc 1,48).

149 969 507,829         Trong suốt cuộc đời, và cho đến giờ thử thách cuối cùng (x. Lc 2,35), khi Đức Giêsu Con của Mẹ chết trên Thánh Giá, đức tin của Mẹ không hề lay chuyển. Mẹ không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ "ứng nghiệm". Chính vì thế, Hội Thánh tôn kính Mẹ là Người đã thể hiện đức tin tinh tuyền nhất.

 


II. "TÔI BIẾT TÔI ĐÃ TIN NƠI ĐẤNG NÀO" (2Tm 1,12)
« Scio enim cui credidi » (2 Tim 1,12)  

 

Tin vào một mình Thiên Chúa

In solum Deum credere 
150 222           Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Kitô giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật là chính đáng và phải đạo khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy. Thật vô ích và lầm lạc khi trao gởi một niềm tin như thế cho một thụ tạo (Gr 17, 5-6; Tv 40,5; 146,3-4).

Tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa

In Iesum Christum, Filium Dei, credere
151 424           Đối với người Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa không thể tách rời được với tin vào Đấng mà Người đã cử đến là "Con Chí Ái của Người" đẹp lòng Người mọi đàng" (Mc 1,11); và Thiên Chúa dạy chúng ta phải nghe lời Đấng ấy (x. Mc 9,7). Chính Chúa cũng nói với môn đệ: "Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14,1). Chúng ta có thể tin vào Đức Giêsu Kitô vì chính Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể: "Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, chỉ có Con Một, là Đấng hằng ở trong lòng Chúa Cha, chính Người mới tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa" (Ga 1,18). Vì "thấy Chúa Cha" (Ga 6,46) nên chỉ một mình Người biết và có thể mặc khải Chúa Cha cho chúng ta (x. Mt 11,27).

Tin kính Chúa Thánh Thần

In Spiritum Sanctum credere
152 243, 683   Người ta không thể tin vào Đức Giêsu mà không thông phần vào Thánh Thần của Người. Chính Thánh Thần mặc khải cho loài người biết Đức Giêsu là ai. Không ai có thể tuyên xưng "Đức Giêsu là Đức Chúa, nếu không nhờ tác động của Thánh Thần" (1Cr 12,3). "Thánh Thần thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa" (1Cr 2,10-11). Chỉ mình Thiên Chúa biết trọn vẹn về Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Thánh Thần vì Người là Thiên Chúa.

232      Hội Thánh không ngừng tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 


III. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỨC TIN
De proprietatibus fidei

 

Đức tin là một ân sủng

Fides est gratia quaedam
153 552 1814 1996 2606        Khi Thánh Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giêsu tuyên bố với thánh nhân rằng: "Phàm nhân không tài nào mặc khải cho anh điều ấy được, nhưng chính là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mặc khải" (Mt 16,17) ( x. Gl 1,15; Mt 11,25). Đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, là nhân đức siêu nhiên do Người phú bẩm. Để có được đức tin nầy, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum 5).

Đức tin là một hành vi nhân linh

Fides est actus humanus
154 1749 2126            Chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ lực bên trong của Thánh Thần. Tuy vậy, tin vẫn là một hành vi đích thực của con người. Tin tưởng Thiên Chúa và gắn bó với những chân lý mặc khải không đi ngược với tự do và trí khôn con người. Ngay trong những giao tiếp giữa người với người, chúng ta không đi ngược với phẩm giá của mình khi tin những gì người khác nói về chính họ hoặc về ý hướng của họ, và khi tin tưởng vào những lời hứa của họ (chẳng hạn lời hứa hôn nhân) để hiệp thông với họ. Vậy càng không ngược lại với phẩm giá con người, nếu "với đức tin, chúng ta hoàn toàn sáng suốt và tự do quy phục Thiên Chúa, Đấng mặc khải" (CĐ Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filius; DS 3008), hiệp thông mật thiết với Người.

155.     Trong đức tin, trí khôn và ý chí con người hợp tác với ân sủng Thiên Chúa: "Tin là một hành vi của trí khôn chấp nhận chân lý mặc khải theo lệnh của ý chí được ân sủng Thiên Chúa tác động" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae toàn thư 2-2,2,9; CĐ Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filiusm, DS 3010).

Đức tin và trí khôn

Fides et intellectus
156 1063 2465 548 812          Lý do để tin không nằm ở chỗ các chân lý mặc khải được chúng ta thấy là đúng và hiểu được theo ánh sáng của lý trí tự nhiên. Chúng ta tin "vì uy quyền của chính Thiên Chúa, Đấng mặc khải không thể sai lầm cũng như không lừa dối chúng ta". "Tuy vậy, để sự ưng thuận của đức tin phù hợp với lý trí, Thiên Chúa đã muốn những bằng chứng bên ngoài của mặc khải đi kèm theo ơn Thánh Thần trợ lực bên trong (CĐ Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filius, DS 3009). Vì thế các phép lạ của Đức Kitô và các thánh (x. Mc 16,20; Dt 2,4), các lời tiên tri, sự lan tràn và sự thánh thiện, sự phong nhiêu và sự vững bền của Hội Thánh "là những dấu chỉ chắc chắn của mặc khải, phù hợp với trí khôn của mọi người", là những lý do của tính khả tín giúp cho sự ưng thuận của đức tin "hoàn toàn không phải là động tác mù quáng của tinh thần" (x. CĐ Vatican I: DS 3008-3010).

157 2088         Đức tin chắc chắn, chắc chắn hơn mọi hiểu biết phàm nhân, vì lấy chính Lời Thiên Chúa làm nền tảng, mà Thiên Chúa thì không thể nói dối được. Hẳn là các chân lý mặc khải có thể bị lý trí và kinh nghiệm loài người cho là mờ tối, nhưng "sự chắc chắn mà ánh sáng Thiên Chúa ban còn lớn hơn sự chắc chắn mà ánh sáng của lý trí tự nhiên đem lại" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, tổng luận 2-2,171,5/3). "Trăm ngàn khó khăn không đủ làm thành một ngờ vực nào" (John Henry Newman, Apologia pro vitasua, biên hộ).

158 2705 1827 90 2518          "Khi tin người ta muốn tìm hiểu điều mình tin" (Thánh Anselmô, Proslogion, Prooemium): có một điều gắn liền với đức tin là người tin ước muốn biết rõ hơn Đấng mình tin và hiểu rõ hơn điều Người mặc khải; ngược lại, một hiểu biết thấu đáo hơn lại đòi hỏi một đức tin lớn hơn, ngày càng đượm nồng tình yêu.

Ơn đức tin mở "con mắt tâm hồn" (Ep 1,18) dẫn đến một hiểu biết sống động về nội dung mặc khải, tức là về toàn bộ ý định của Thiên Chúa và những mầu nhiệm đức tin, về tương quan giữa các mầu nhiệm với nhau và với Đức Kitô, trung tâm của mầu nhiệm được mặc khải. Đằng khác, để "làm cho việc hiểu biết mặc khải luôn thêm sâu sắc, Thánh Thần không ngừng nhờ các ân huệ của Người giúp đức tin được thêm hoàn hảo" (x. Pv 5). Thánh Augustinô nói: "Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin tốt hơn" (Bài giảng 43,7,9).

159 283 2293  Đức tin và khoa học. "Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ hai bên thực sự mâu thuẫn nhau: Đấng mặc khải các mầu nhiệm và thông ban đức tin, cũng chiếu rọi ánh sáng khôn ngoan xuống tâm trí con người, Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật" (x. Cđ Vatican I:DS 3017). Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu tiến hành một cách thật sự khoa học và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ trái nghịch với đức tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù không ý thức, họ như được bàn tay Thiên Chúa hướng dẫn, vì Người là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của chúng" (GS 36,2).

Sự tự do của đức tin

Libertas fidei
160 1738,2106 616     Để là một hành vi của con người, "đức tin mà con người đáp lại Thiên Chúa phải là tự nguyện. Do đó, không ai bị cưỡng bức phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn. Thật vậy, tự bản chất đức tin là một hành vi tự ý".

Sự cần thiết của đức tin

Necessitas fidei
161 432,1257846        Tin vào Đức Giêsu Kitô và Đấng đã cử Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ ấy (x. Mc 16,16; Ga 3,36; 6,40 e.a). "Vì "không có đức tin thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa" (Dt 11,6) và cũng không thể chia sẻ chức vị làm con Thiên Chúa, nên không ai được công chính hóa nếu không có đức tin, và không ai đạt tới cuộc sống muôn đời nếu không ‘bền chí đến cùng’ trong đức tin” (Mt 10,22; 24,13, CĐ Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filius, DS 3012; x. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, DS 1532)

Vững vàng trong Đức Tin

In fide perseverantia
162 2089 1037,2016 2573, 2849        Đức Tin là một hồng ân Thiên Chúa ban nhưng không cho con người. Chúng ta có thể đánh mất hồng ân vô giá đó. Thánh Phaolô cảnh giác Timôthê: "Hãy chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp này, với đức tin và lương tâm ngay thẳng. Một số người đã vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của họ đã bị chết chìm" (1Tm 1,18-19). Để sống, lớn lên và bền chí đến cùng trong đức tin, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin bằng Lời Thiên Chúa; chúng ta phải nài van Chúa gia tăng đức tin (x. Mc 9,24; Lc 17,5; 22,32). Đức tin phải "hành động nhờ đức ái" (Gl 5,6) (x. Gc 2,14-26), được đức cậy nâng đỡ (x. Rm 15,13) và đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.

Đức tin là khởi điểm của cuộc sống muôn đời

Fides – initium vitae aeternae
163 1088         Đức tin cho ta được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn phúc nhìn thấy Thiên Chúa, mục đích của cuộc lữ hành dưới thế này của chúng ta. Bấy giờ chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa "mặt giáp mặt" (1Cr 13,12), và "Người thế nào chúng ta sẽ được thấy như vậy" (1Ga 3,2). Do đó đức tin là khởi điểm của cuộc sống muôn đời:
“Khi chúng ta chiêm ngưỡng, như nhìn trong gương, ân sủng là những điều thiện hảo còn xa vời được hứa ban cho chúng ta, mà nhờ đức tin chúng ta mong chờ được hưởng, thì y như những điều đó đã có đây rồi” (Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15, 36; x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, 2-2,4,1)

164 2846 309,1502 1006        Tuy nhiên, hiện giờ chúng ta "tiến bước trong đức tin chứ chưa được thấy nhãn tiền" (2Cr 5,7), và nhận biết Thiên Chúa "như trong một tấm gương, một cách lờ mờ, có ngần, có hạn" (1Cr 13,12). Mặc dầu đức tin được sáng tỏ nhờ Đấng chúng ta tin, chúng ta thường phải sống đức tin trong mờ tối. Đức tin có thể bị thử thách. Thế giới nơi chúng ta đang sống thường có vẻ khác xa những gì đức tin đoan quyết với chúng ta. Các kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như phản bác Tin Mừng. Những điều đó có thể làm cho đức tin nao núng và trở thành một cám dỗ cho người tin.


165 2719         Chính bấy giờ là lúc chúng ta phải hướng lòng về các nhân chứng đức tin:

- ông Abraham, là người “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18)

- Đức Trinh Nữ Maria, là người, "trong cuộc lữ hành đức tin" (CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 58), đã đi vào tận "đêm tối của đức tin" (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 17) khi hiệp thông với khổ hình Thập Giá và đêm đen trong mồ của Con;

- và bao nhiêu nhân chứng đức tin khác nữa: "Được ngần ấy nhân chứng đức tin bao quanh, khác nào một đám mây, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt gắn chặt vào Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin chúng ta" (Dt 12,1-2).

 

 


Mục 2
CHÚNG TÔI TIN

Articulus 2: Credimus


166 875           Đức tin là một hành vi cá nhân: Con người tự nguyện đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai tự ban cho mình sự sống. Người tin nhận được đức tin từ kẻ khác, phải truyền đức tin lại cho kẻ khác. Tình yêu của chúng ta đối với Đức Giêsu và tha nhân, thúc giục chúng ta nói với người khác về đức tin của chúng ta. Như thế, mỗi tín hữu là một mắt xích trong dây chuyền rộng lớn các tín hữu. Tôi không thể tin mà không có đức tin của người khác đỡ nâng, và với đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của kẻ khác.

167 1124 2040            "Tôi tin" (Kinh Tin Kính các tông đồ): Đây là đức tin của Hội Thánh, được mỗi tín hữu tuyên xưng, đặc biệt lúc chịu phép Thánh Tẩy. "Chúng tôi tin" (Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinôpôli): Đây là đức tin của Hội Thánh, được các giám mục họp thành Công Đồng hoặc, thông thường hơn, được cộng đoàn tín hữu cử hành phụng vụ cùng tuyên xưng. "Tôi tin": đây cũng là Hội Thánh, Mẹ chúng ta, đang lấy đức tin mà đáp lời Thiên Chúa, và dạy chúng ta nói: "tôi tin", "chúng tôi tin".

 


I. "LẠY CHÚA, XIN NHÌN ĐẾN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH CHÚA"
« Respice, Domine, fidem Ecclesiae Tuae »  

 

168 1253         Trước tiên, chính Hội Thánh đã tin, và như thế, mang lấy, dưỡng nuôi và nâng đỡ đức tin của tôi. Trước tiên chính Hội Thánh ở khắp nơi tuyên xưng Chúa như chúng ta hát trong kinh "Te Deum": "Và khắp trên hoàn vũ, Hội Thánh hoan hỉ tuyên xưng Chúa là Chúa của mình". Với Hội Thánh và trong Hội Thánh, chúng ta được thúc đẩy và hướng dẫn tuyên xưng: "tôi tin", "chúng tôi tin". Chính qua Hội Thánh mà chúng ta lãnh nhận đức tin và đời sống mới trong Đức Kitô nhờ phép Thánh Tẩy.

Trong sách "Nghi thức Rôma ", thừa tác viên cử hành bí tích Thánh Tẩy hỏi người dự tòng:

"Con xin gì cùng Hội Thánh Thiên Chúa?

- Thưa: Con xin Đức tin.

Đức tin làm ích gì cho con?

- Thưa đức tin cho con sự sống đời đời" (Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn).

169 750 2030  Chỉ có Thiên Chúa ban ơn cứu độ; nhưng bởi vì chúng ta lãnh nhận đời sống đức tin qua Hội Thánh, nên Hội Thánh là mẹ chúng ta: "Chúng tôi tin Hội Thánh là mẹ ban cho chúng tôi sự sống mới, chứ không tin vào Hội Thánh như tác giả của ơn cứu độ (Faustus de Riez, Spir. 1,2.). Vì là mẹ, Hội Thánh cũng là người giáo dục đức tin".

 

 

II. NGÔN NGỮ ĐỨC TIN
Sermo fidei  

 

170 186           Chúng ta không tin vào những công thức, nhưng tin vào những thực tại mà các công thức đó diễn đạt, và đức tin cho phép chúng ta "chạm tới được". "Hành vi đức tin của người tín hữu không dừng lại ở lời phát biểu, mà ở thực tại được phát biểu (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, toàn thư 2-2, 1,2, ad 2)". Tuy nhiên, chúng ta tiếp cận những thực tại đó nhờ những công thức diễn tả đức tin. Những công thức này cho phép diễn đạt và lưu truyền đức tin, bày tỏ đức tin trong các buổi cử hành cộng đoàn, hấp thụ và sống đức tin ngày một hơn.

171 78,857,84 185      Hội Thánh là "cột trụ và điểm tựa của chân lý" (1Tm 3,15), trung thành bảo toàn "đức tin đã được truyền lại cho dân thánh một lần dứt khoát" (Gđ 3). Chính Hội Thánh ghi nhớ những Lời của Đức Kitô và lưu truyền từ đời nọ đến đời kia lời tuyên xưng đức tin của các tông đồ. Như mẹ dạy con nói, để nhờ đó con được hiểu biết và trao đổi với người khác, Hội Thánh, Mẹ chúng ta, dạy chúng ta nói ngôn ngữ đức tin nhằm giúp chúng ta hiểu biết và sống đức tin.

 


III. MỘT ĐỨC TIN DUY NHẤT

Una fides 

 

172 813           Từ bao thế kỷ, qua bao ngôn ngữ, bao nền văn hóa, bao dân tộc và quốc gia, Hội Thánh không ngừng tuyên xưng đức tin duy nhất, lãnh nhận từ một Chúa duy nhất, lưu truyền nhờ một Phép Rửa duy nhất, ăn sâu trong niềm xác tín rằng tất cả mọi người chỉ có một Thiên Chúa là Cha duy nhất (x. Ep 4,4-6). Thánh Irênê thành Lyon, người đã làm chứng cho đức tin ấy, tuyên bố:

173 830           "Thật vậy, dù phân tán trên toàn thế giới cho tới tận cùng trái đất, nhưng vì đã lãnh nhận đức tin từ các Tông đồ và môn đệ các ngài, nên Hội Thánh ân cần gìn giữ lời rao giảng và đức tin đó như thể chỉ ở trong một ngôi nhà duy nhất, cùng tin một cách như nhau, như thế chỉ có một tâm hồn và một trái tim duy nhất, đồng thanh rao giảng, dạy dỗ và lưu truyền lại lời rao giảng và đức tin ấy, như thể chỉ có một miệng lưỡi duy nhất" (Thánh Irênê, Adversus haereses, Chống lạc giáo 1,10,1-2).

174 78             "Vì, nếu trên toàn thế giới, các ngôn ngữ có khác nhau, nội dung Thánh Truyền vẫn là một và đồng nhất. Và các Giáo Đoàn được thiết lập tại Đức không hề có một đức tin hay một Truyền Thống nào khác, cả các Giáo Đoàn Iberia (Tây Ban Nha cổ), các Giáo Đoàn người Celto (Pháp cổ), các Giáo Đoàn ở Đông Phương, ở Ai Cập, ở Libya hay tại trung tâm thế giới cũng vậy..." (Thánh Irênê, Adversus haereses, Chống lạc giáo). "Như thế sứ điệp của Hội Thánh là chân thật và vững chắc, bởi chính trong Hội Thánh mà con đường cứu độ duy nhất xuất hiện trên khắp thế giới".

175.     Đức tin mà chúng ta đã lãnh nhận từ Hội Thánh, chúng ta phải ân cần gìn giữ. Ví như một kho tàng quí giá chứa đựng trong một bình quí dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, đức tin luôn luôn tươi trẻ và làm tươi trẻ chính bình chứa là Hội Thánh (Thánh Irênê, Adversus haereses, Chống lạc giáo, 3,24,1).

 


TÓM LƯỢC

Compendium  

 

176.     Tin là gắn bó bản thân con người cả trí khôn và ý chí với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải qua các việc làm và lời nói của Người.

177.     "Tin" qui chiếu vào hai điểm: Đấng mặc khải và chân lý mặc khải. Chúng ta tin chân lý mặc khải vì tin tưởng ở Đấng mặc khải.

178.     Chúng ta không được tin ai khác ngoài Thiên Chúa, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

179.     Đức tin là một hồng ân siêu nhiên của Thiên Chúa. Để tin, con người cần đến những trợ lực bên trong của Thánh Thần.

180.     "Tin" là hành vi của con người, có ý thức và tự do, xứng hợp với phẩm giá con người.

181.     "Tin" là hành vi có chiều kích Hội Thánh. Đức tin của Hội Thánh đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Hội Thánh là Mẹ của mọi tín hữu. "Không thể có Thiên Chúa là Cha nếu không nhận Hội Thánh là mẹ" (Thánh Cyprianô, De Ecclesiae catholicae unitate, Giáo hội hợp nhất).

182.     "Chúng ta tin tất cả những gì chứa đựng trong Lời Thiên Chúa, được viết hoặc lưu truyền, và do Hội Thánh dạy chúng ta tin như chân lý được Thiên Chúa mặc khải" (ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 20).

183.     Đức tin cần thiết để được cứu độ. Chính Chúa khẳng định: "Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ: còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 16).

184.     "Đức tin là nếm trước điều chúng ta sẽ được hưởng trong cuộc sống hạnh phúc mai sau" (Thánh Tôma Aquinô, Compendium theologiae, giản lược 1,2).

 


CÁC TÍN BIỂU

Symbolum Fidei

 

Kinh Tin Kính Các Tông Đồ

Symbolum Apostolicum

Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinôpôli

Nicaenum-Constantinopolitanum

   

Tôi tin kính Đức Chúa Trời

Là Cha phép tắc vô cùng

Tôi tin kính một Thiên Chúa

Là Cha toàn năng,

dựng nên trời đất

 

Đấng tạo thành trời đất

muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô

là Con Một Đức Chúa Cha

cùng là Chúa chúng tôi.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô

Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời:

 

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa;

Ánh sáng bởi Ánh sáng;

Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật;

được sinh ra mà không phải được tạo thành;

đồng bản thể với Đức Chúa Cha:

nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.

Bởi phép Đức Chúa Thánh
Thần mà Người xuống thai

Sinh bởi bà Maria đồng trinh,

 

Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần

Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria

và đã làm người.

Chịu nạn đời quan

Phongxiô Philatô

Chịu đóng đinh trên cây
Thánh Giá, chết và táng xác,

Xuống ngục tổ tông.

Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,

Ngày sau bởi trời lại xuống
phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta thời quan Phongxiô Philatô;

Người chịu khổ hình và mai táng.

Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh,

Người lên trời

ngự bên hữu Đức Chúa Cha.

và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết,

Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống;

Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra.

Người được phụng thờ và tôn vinh

cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

Người đã dùng các Tiên tri mà phán dạy.

Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, Các Thánh thông công.

Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

Tôi tin phép tha tội.

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.

Tôi trông đợi kẻ chết sống lại

Tôi tin hằng sống vậy.

Amen.

và sự sống đời sau.

Amen.

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ