Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ NHẤT

Tuyên Xưng Đức Tin

PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI

 

ĐOẠN THỨ HAI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO

SECTIO SECUNDA
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO

 

CHƯƠNG I
TÔI TIN KÍNH THIÊN CHÚA  CHA

CAPUT PRIMUM
CREDO IN DEUM PATREM

 

TIẾT 3

ĐẤNG TOÀN NĂNG

Paragraphus 3: Omnipotens

 

268 222.          Trong tất cả những thuộc tính của Thiên Chúa, chỉ có tính toàn năng là được nói đến trong Kinh Tin Kính. Việc tuyên xưng này có tầm quan trọng lớn lao đối với đời sống của chúng ta. Chúng ta tin rằng: Thiên Chúa toàn năng là Đấng có uy quyền trên vạn vật, vì Người đã sáng tạo (x. Ga 1,1; Ga 1,3), điều khiển và làm được mọi sự; Thiên Chúa toàn năng là Đấng yêu thương, vì Người là Cha chúng ta; Thiên Chúa toàn năng còn là Đấng huyền nhiệm vì chỉ nhờ đức tin chúng ta mới nhận ra sự toàn năng của Thiên Chúa khi quyền lực Người "bộc lộ trong sự yếu đuối" (2Cr 12,9) (x. 1Cr 1,18).

"Người làm tất cả những gì Người muốn" (Tv 115,3)

« Omnia, quaecumque voluit fecit » (Ps 115,3)
269 303.          Thánh Kinh tuyên xưng nhiều lần Thiên Chúa có uy quyền trên vạn vật. Người được gọi là "Đấng Quyền Năng của Giacóp" (St 49, 24; Is 1, 24 tt). "Chúa các đạo binh", "Đấng Mạnh Mẽ, Đấng Oai Hùng" (Tv 24,8-10). Thiên Chúa toàn năng "trên trời và dưới đất" (Tv 135,6), vì Người đã tác tạo nên chúng. Không có gì mà Người không làm được (x. Gr 32,17; Lc 1,37); Người sắp đặt công trình theo ý Người (x. Gr 27,5); Người là Chúa cả vũ trụ, đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó luôn luôn quy phục Người. Người làm Chủ lịch sử: hướng dẫn các tâm hồn và các biến cố theo ý Ngưòi (Et 4,17b; Cn 21,1; Tb 13,2). "Quyền năng lớn lao của Ngài luôn phụng sự Ngài, và ai có thể chống lại sức mạnh cánh tay Ngài?" (Kn 11,21).

"Ngài thương xót mọi người, vì Ngài làm được mọi sự" (Kn 11,23)

« Misereris omnium, quia omnia potes » (Sap 11,23)
270 2777 1441.           Thiên Chúa là Cha toàn năng. Chức năng làm Cha và quyền năng của Người soi sáng cho nhau. Quả thế, Người biểu dương sự toàn năng của Người Cha qua cung cách Người chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta (Mt 6,32), khi nhận chúng ta làm nghĩa tử ("Ta sẽ là Cha các ngươi, và các người sẽ là con trai con gái Ta, Chúa toàn năng phán như vậy" (2Cr 6,18)); sau hết khi tỏ lòng khoan dung vô tận, vì Người biểu dương quyền năng tới tột đỉnh qua việc Người rộng lòng thứ tha mọi tội lỗi.

271.     Thiên Chúa toàn năng không hề độc đoán: "Nơi Thiên Chúa, quyền năng và yếu tính, ý chí và trí tuệ, khôn ngoan và công bình là một, cho nên không có gì trong quyền năng của Thiên Chúa mà không nằm trong ý muốn chí công hay trong trí tuệ khôn ngoan của Người" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae I, 25,5, ad 1).

Huyền nhiệm về vẻ bất lực của Thiên Chúa 

Mysterium apparentis impotentiae Dei
272 309 412 609 648. Đức tin vào Thiên Chúa Cha toàn năng có thể bị thử thách do kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ. Đôi khi Thiên Chúa như vắng mặt và không ngăn chặn được sự dữ. Nhưng Chúa Cha đã mặc khải sự toàn năng của Người một cách thật huyền nhiệm khi Con của Người tự hạ và sống lại, nhờ đó Người thắng sự dữ. Như vậy, Đức Kitô bị đóng đinh là "quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người" (1Cr 1, 24-25). Chính khi Đức Kitô sống lại và được tôn vinh, Chúa Cha "biểu dương sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực" và cho thấy "quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là các tín hữu" (Ep 1, 19-22).

273 148.          Chỉ nhờ đức tin, chúng ta mới có thể nhập cuộc vào đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa toàn năng. Đức tin này tự hào về những yếu kém của mình, để thu hút quyền năng của Đức Kitô (x. 2 Cr 12,9; Pl 4,13). Đức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu tột đỉnh của đức tin ấy, vì Mẹ đã tin rằng "không có gì mà Thiên Chúa không làm được" (Lc 1,37) và ca ngợi Chúa: "Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những việc kỳ diệu, Danh Người là Thánh" (Lc 1,49).

274 1814,1817.           "Không có gì làm cho chúng ta tin tưởng và hy vọng vững mạnh cho bằng xác tín: không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Khi lý trí đón nhận tín điều Thiên Chúa là Cha Toàn Năng ở đầu kinh Tin Kính thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận không chút do dự tất cả những tín điều tiếp theo sau là những điều trọng đại nhất, khó hiểu nhất, cũng như những sự cao siêu nhất vượt trên tất cả những qui luật thông thường của thiên nhiên" (Giáo lý Rôma 1,2,13).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


275.     Cùng với ông Gióp, người công chính, chúng ta tuyên xưng: "Tôi biết Ngài uy quyền vạn năng: Ngài có thể thực hiện được những gì Ngài dự tính" (G 42,2).

276.     Trung thành với chứng từ của Thánh Kinh, Hội Thánh thường xuyên dâng lời cầu nguyện lên cùng "Thiên Chúa Toàn Năng và Vĩnh Cửu", vững tin rằng: "đối với Thiên Chúa, không có gì là không làm được" (St 18,14; Lc 1,37; Mt 19,26).

277.     Thiên Chúa biểu dương sự Toàn Năng của Người khi giúp ta bỏ đàng tội lỗi và nhờ ân sủng tái lập ta trong tình thân với Người: "Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả" (Lời nguyện nhập Lễ CN 26 QN).

278.     Nếu không tin Thiên Chúa yêu thương là Đấng Toàn năng, thì làm sao có thể tin được là Chúa Cha sáng tạo chúng ta, Chúa Con cứu chuộc chúng ta, Chúa Thánh Thần thánh hoá chúng ta?

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ