ĐOẠN THỨ HAI SECTIO SECUNDA CHƯƠNG III Mục 11 Articulus 11: « Credo carnis resurrectionem » 988. I. SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ VÀ CỦA CHÚNG TA Progressiva Resurrectionis revelatio 992 297. Quomodo resurgunt mortui? 997 366. Cum Christo resuscitati 1002 655. II. CHẾT TRONG ĐỨC KITÔ GIÊSU Mors 1006 164,1500. Mortis christianae sensus 1010 1220. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE
1992
PHẦN THỨ NHẤT
Tuyên Xưng Đức Tin
PARS PRIMA
PROFESSIO FIDEI
TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
FIDEI CHRISTIANAE PROFESSIO
TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN
CAPUT TERTIUM
CREDO IN SPIRITUM SANCTUM
"TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI SẼ SỐNG LẠI"
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; và tin Thiên Chúa sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Kinh Tin Kính kết thúc với lời tuyên xưng: "Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau."
989 655 648.
Chúng ta tin vững vàng và hy vọng chắc chắn rằng: cũng như Đức Kitô đã thực sự phục sinh từ cõi chết và sống mãi, thì sau khi chết những người công chính cũng sống mãi với Đức Kitô Phục Sinh và Người sẽ cho họ sống lại ngày sau hết (Ga 6,39-40). Cũng như sự phục sinh của Đức Kitô, sự sống lại của chúng ta là công trình của Chúa Ba Ngôi:
"Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh chị em, Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ ban sự sống cho những thân xác phải chết của anh chị em, nhờ Thần Khí của Ngài cư ngụ trong anh chị em (Rm 8, 11). (xem 1 Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11)
990 364.
Thuật ngữ "thân xác" chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết (St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6). "Xác sống lại" có nghĩa là sau khi chết, không phải chỉ có linh hồn bất tử vẫn tiếp tục sống, nhưng chính "thân xác phải chết" (Rm 8,11) cũng sẽ sống lại.
991 638.
Ngay từ đầu, tin kẻ chết sống lại đã là điều cốt yếu của đức tin Kitô giáo. "Người Kitô hữu xác tín rằng kẻ chết sống lại; chúng tôi sống được nhờ niềm tin này." (Tertulianô, bàn về phục sinh 1,1).
"Tại sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rổng... Nhưng không! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (x. 1Cr 15,12-14.20).
Sự sống lại đã được mặc khải dần dần
Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa từng bước mặc khải cho Dân Người. Niềm hy vọng "xác loài người ngày sau sống lại" đã trở thành cần thiết như là hậu quả nội tại của đức tin vào Thiên Chúa sáng tạo con người trọn vẹn cả hồn và xác. Đấng tạo thành trời đất cũng là Đấng trung thành giữ Giao Ước với Abraham và miêu duệ. Chính trong viễn tượng sáng tạo và giao ước, Dân Chúa bắt đầu bày tỏ niềm tin vào sự Phục Sinh. Giữa những thử thách, các vị tử đạo thuộc gia đình Macabê tuyên xưng:
"Vua trời đất sẽ cho chúng tôi phục sinh để được sống vĩnh cửu, bởi chúng tôi chết vì tuân giữ lề luật của Người" (2Mcb 7,9). "Chúng tôi thà chết do tay người phàm mà giữ vững niềm hy vọng được Thiên Chúa cho phục sinh..." (2Mcb 7,14) (x. 7,29; Đn 12,1-13).
993 575 205.
Những người Pharisêu và nhiều người đương thời với Chúa Giêsu hy vọng vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã giảng dạy rõ ràng về việc kẻ chết sống lại. Với người Sađốc không tin sự phục sinh, Người nói: "Vì các ông không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm" (Mc 12,24). Đức tin về sự sống lại dựa trên đức tin vào "Đấng không phải là Chúa của kẻ chết nhưng là Chúa của kẻ sống" (Mc 12,27).
994 646 652.
Hơn nữa, Chúa Giêsu liên kết đức tin về sự phục sinh với bản thân của Người: "Tôi là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25). Đức Giêsu sẽ cho những ai tin vào Người (Ga 5, 24-25;6,40), và đã ăn Thịt và uống Máu Người (Ga 6,54), được sống lại trong ngày sau hết. Ngay khi còn ở trần gian, Người cho chúng ta một dấu chỉ và một bảo chứng, bằng cách cho một số người đã chết được sống lại (Mc 5,21-42; Lc 7,11-17; Ga 11), để tiên báo chính Người sẽ sống lại, nhưng là phục sinh chứ không chỉ hồi sinh. Người nói về biến cố này như là "dấu chỉ Giona" (Mt 12,39) và dấu chỉ Đền Thờ (Ga 2,19-22): Người tiên báo sẽ phục sinh ngày thứ ba sau khi chịu chết (Mc 10,34).
995 860 655.
Các tông đồ làm chứng cho Đức Kitô nghĩa là các ngài "làm chứng cho sự Phục Sinh của Người" (Cv 1,22) (x.4,33), "vì đã ăn, uống với Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại" (Cv 10,41). Niềm hy vọng Kitô giáo về phục sinh mang đậm nét những lần gặp gỡ với Đức Kitô Phục Sinh. Chúng ta sẽ sống lại như Người, với Người và nhờ Người.
996 643.
Ngay từ đầu, có nhiều người không hiểu và chống lại đức tin Kitô giáo về Phục Sinh (Cv 17,32; 1Cr 15,12-13). "Trong đức tin Kitô giáo vấn đề gặp nhiều chống đối hơn hết là việc xác loài người sống lại" (Thánh Augustinô, thánh vịnh 88,2,5). Thông thường, người ta chấp nhận là sau khi chết, hồn con người vẫn sống. Nhưng làm sao tin được thân xác phải chết này sẽ phục sinh để sống đời đời?
Người chết sẽ phục sinh thế nào?
"Phục sinh" là gì? Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa, khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giêsu Phục Sinh.
998 1038.
Ai sẽ phục sinh? Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: "Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,29; x. Đn 12,2).
999 640 645.
Phục sinh thế nào? Đức Kitô đã phục sinh với chính thân xác mình: "Hãy nhìn chân tay Thầy coi: đúng là Thầy đây mà" (Lc 24,39). Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, "mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ" ( CĐ Latêranô IV, Cap. 1: DS 801), nhưng thân xác đó "sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển" (Pl 3,21), thành "thân xác có thần khí" (1 Cr 15,44):
Có người thắc mắc: Kẻ chết sống lại như thế nào? Họ lấy thân hình nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là thân hình sẽ mọc lên nhưng là một hạt trơ trụi... Khi gieo xuống là thân xác hư nát, mà khi sống lại thì bất diệt... những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát... Vì cái thân phải hư nát này cần phải mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này cần phải mặc lấy sự bất tử (x. 1 Cr 15,35-37.42,42-53).
1000 647.
"Thân xác con người phục sinh như thế nào" là điều vượt quá sức tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin. Dầu vậy, khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được nếm trước việc thân xác chúng ta được biến đổi nhờ Đức Kitô:
1405.
Bánh là hoa mầu ruộng đất, nhưng sau khi đã kêu cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa mà trở thành Mình Thánh Chúa, gồm cả hai thực tại trần thế và thượng giới. Cũng vậy, khi con người rước Mình Thánh Chúa, thân xác sẽ không phải hư nát vì mang trong mình hạt giống phục sinh (Thánh Irênê, Adversus haereses, chống lạc giáo 4, 18,5).
1001 1038 673.
Bao giờ kẻ chết sống lại? Mọi người sẽ sống lại (x. Ga 6,39-40,44.54; 11,24 ) "vào ngày sau hết", "ngày tận thế" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48). Ngày kẻ chết sống lại chính là ngày Đức Kitô quang lâm:
"Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời xuống và những kẻ chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên" (1Tx 4,16).
Phục sinh với Đức Kitô
Đức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại "ngày sau hết" nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô ngay từ đời này:
"Anh em đã được mai táng cùng với Đức Kitô, khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, bởi anh em đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ kẻ chết... Vậy bởi anh em đã sống lại cùng với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 2,12; 3,1).
1003 1227 2796.
Được kết hiệp với Đức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Đức Kitô Phục Sinh (x. Pl 3,20), nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa" (Cl 3,3). "Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô trên cõi trời" (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Đức Kitô, chúng ta đã thuộc về Thân Thể Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang" (Cl 3,4).
1004 364 1379.
Trong khi chờ đợi ngày ấy, xác và hồn của tín hữu đã được vinh dự "thuộc về Đức Kitô". Vì thế, phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của kẻ khác, nhất là khi thân xác phải chịu đau đớn:
Thân xác là để phụng sự Thiên Chúa vì Chúa là chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết thân xác anh em là chi thể của Đức Kitô sao?... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa... Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em (x. 1 Cr 6,13-15.19-20).
1005 624.
Muốn được phục sinh với Đức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người, ta phải "lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa" (2 Cr 5,8). Chết là "ra đi" (Pl 1,23), hồn lìa khỏi xác. Hồn sẽ họp lại với xác trong ngày kẻ chết sống lại (ĐGH Phaolô VI, Sollemnis Professio fidei, 28).
Sự Chết
"Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18). Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng, đức tin cho chúng ta biết, chết là "tiền công trả cho tội lỗi" (Rm 6,23) (x. St 2,17). Và đối với người chết trong ân sủng Đức Kitô, chết là tham dự vào cái chết của Chúa để cùng được tham dự vào sự Phục Sinh của Người (x. Rm 6,3-9; Pl 3,10-11).
1007.
Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn:
"Vào thời thanh xuân, con hãy nhớ đến Đấng Sáng Tạo... trước khi bụi trở về với đất như cũ và sinh khí trở về với Đấng đã ban nó cho con" (x.Giảng viên 12,1.7).
1008 401 376.
Chết là hậu quả của tội lỗi. Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2,17;3,3;3,19; Sg 1,13; Rm 5,12;6,23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con người đã phạm tội (Đ Triđentinô, Sess. 5a, DS 1511). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2,23-24). "Giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18), nên "cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần phải chiến thắng" (x.1Cr 15,26).
1009 612.
Cái chết được biến đổi nhờ Đức Kitô. Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chịu chết vì mang thân phận con người. Đứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x.Mc 14,33-34; Dt 5,7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Đức Giêsu đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x.Rm 5,19-21).
1681-1690.
Ý nghĩa sự chết theo Kitô giáo
Nhờ Đức Kitô, chết mang một ý nghĩa tích cực. "Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi" (Pl 1, 21). "Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2,11). Kitô giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết: nhờ bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu đã "cùng chết với Đức Kitô" cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng Đức Kitô, cái chết thể xác sẽ kết thúc việc "cùng chết với Đức Kitô" mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người nhờ công trình cứu độ của Người:
Đối với tôi, chết trong Đức Giêsu Kitô còn hơn là được cai trị cả thế gian. Tôi đang đi tìm Đấng đã chết cho chúng ta: tôi đang khao khát Đấng đã phục sinh cho chúng ta. Giờ tôi được sinh ra (trong cuộc sống vĩnh cửu) đã gần kề... Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền, khi nào tôi tới được đó, tôi mới thực sự là một con người (Thánh Ignatiô Antiôchia, thư gởi giáo đoàn Rôma 6,1-2).
1011 1025.
Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước như Thánh Phaolô: "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô" (Pl 1,23); theo gương Đức Kitô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (Lc 23,46):
"Lòng ham muốn trần thế của tôi đã bị đóng đinh... "mạch nước trường sinh" trong tôi đang thầm nhắn nhủ: "Hãy đến với Chúa Cha" (Thánh Ignatiô Antiôchia, Rm 7,2).
"Tôi muốn gặp Thiên Chúa và để gặp Người tôi phải chết" (Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu).
"Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống (Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, những lời cuối cùng, 9-6-1987).
1012.
Cái nhìn Kitô giáo về sự chết (1Th 4,13-14) được diễn tả đặc biệt trong phụng vụ của Giáo hội:
"Lạy Chúa ! Đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời" (Sách lễ Rôma, kinh tiền tụng cho kẻ qua đời).
1013.
Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót để con người sống cuộc đời trần thế theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt "cuộc đời trần thế duy nhất này" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48), chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. "Con người chỉ chết một lần" (Dt 9,29), không "đầu thai" sau khi chết.
1014 2676- 2677.
Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết ("Xin cứu chúng con khỏi chết bất đắc kỳ tử": kinh cầu các thánh cũ); khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta "trong giờ lâm tử" (Kinh Kính Mừng) và trông cậy vào Thánh Giuse là bổn mạng kẻ "mong sinh thì":
"Trong mọi hành động, trong mọi suy tư của con, con phải xử sự như hôm nay con phải chết. Nếu lương tâm thanh thản, con sẽ không quá sợ cái chết. Thà giữ mình không phạm tội, hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con chưa sẵn sàng chết, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được? (Gương Chúa Giêsu 1,23,5-8)"
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị Chết mà không ai thoát khỏi được. Vô phúc cho người chết trong tội trọng và diễm phúc cho người được chết trong ân nghĩa Chúa, vì cái chết lần thứ hai sẽ không làm cho họ đau khổ (Thánh Phanxicô Assisi).
TÓM LƯỢC
1015. "Việc cứu độ thân xác con người là điểm quan trọng trong chương trình cứu độ" (Tertullianô 8,2). Chúng tôi tin vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo thân xác con người. Chúng tôi tin Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm để cứu chuộc thân xác. Chúng tôi tin "xác loài người ngày sau sống lại", khi ấy Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và cứu chuộc thân xác.
1016. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, nhưng khi con người sống lại, Thiên Chúa sẽ trả lại sự sống bất diệt cho thân xác đã được biến đổi, bằng cách tái hợp xác với hồn. Như Đức Kitô đã phục sinh và sống mãi muôn đời, tất cả chúng ta sẽ sống lại vào ngày sau hết.
1017. "Chúng tôi tin thân xác hiện nay của chúng tôi sẽ sống lại thật" (CĐ Lyon II, DS 854). Tuy nhiên, khi gieo xuống mồ là thân xác phải hư nát và khi Phục Sinh là thân xác bất diệt (1Cr 15,42), "thân xác có thần khí" (1Cr 15, 44).
1018. Do hậu quả nguyên tội, con người phải chết. "Giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 18).
1019. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, tự nguyện chịu chết cho chúng ta vì hoàn toàn tùng phục thánh ý Chúa Cha. Nhờ cái chết của Người, Người đã chiến thắng tử thần và mở ra cho mọi người con đường cứu độ.
Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho