Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ HAI

Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo

PARS SECUNDA
MYSTERII CHRISTIANI CELEBRATIO

 

ĐOẠN THỨ HAI

BẢY BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH
SECTIO SECUNDA
SEPTEM ECCLESIAE SACRAMENTA


CHƯƠNG I
CÁC BÍ TÍCH KHAI TÂM KITÔ GIÁO
CAPUT PRIMUM
INITIATIONIS CHRISTIANAE SACRAMENTA

 

Mục 1
BÍ TÍCH RỬA TỘI

Articulus 1: Sacramentum Baptismi

 

1213.
Bí tích Thánh Tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và tái sinh làm con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và tham dự sứ mạng của Hội Thánh (CĐ Flôrentinô, DS 1314; CIC can 204, 1. 849; CCEO can 675,1): "Bí tích thánh Tẩy là bí tích tái sinh chúng ta nhờ nước và trong Lời Chúa" (Giáo lý Rôma 2,2,5).

 


I. BÍ TÍCH NÀY ĐƯỢC GỌI BẰNG NHỮNG DANH HIỆU NÀO?
Quomodo hoc sacramentum appellatur?  

 

1214 628.
Thánh Tẩy hay Rửa Tội đều dịch từ Baptizein trong tiếng Hy Lạp. Từ này có nghĩa là "dìm xuống": đây là nghi thức chính yếu trong bí tích Thánh Tẩy. Dìm xuống nước tượng trưng cho việc người dự tòng chịu mai táng trong cái chết của Đức Kitô, và từ đó cùng sống lại với Người (x. Rm 6,3-4; Cl 2,12), trở thành "thụ tạo mới" (x. 2Cr 5,17; Gl 6,15).

1215 1257.
Thánh Phaolô gọi bí tích này là tắm trong Chúa Thánh Thần, để được tái sinh và đổi mới (x. Tt 3,5), vì bí tích này biểu thị và thực hiện việc tín hữu được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần, mà nếu thiếu thì "không ai có thể vào Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5).

1216 1243
Thánh Justinô gọi bí tích này là ơn soi sáng, vì những người được đạo lý giáo huấn thì tâm trí được soi sáng. Người chịu phép rửa, vì đón nhận Ngôi Lời là "ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người" (Ga 1,9), nên sau khi "đã được soi sáng" (Dt 10,32), họ trở thành "con cái sự sáng" (1 Tx 5,5) và là "ánh sáng" (Ep 5,8).
"Bí tích Thánh Tẩy là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa... Chúng ta gọi là hồng ân, ân sủng, xức dầu, soi sáng, mặc lấy sự bất tử, tắm để tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Là hồng ân, vì được ban cho những người trắng tay. Là ân sủng, vì được ban cho cả những người có lỗi.

Dìm xuống, vì tội lỗi bị nhận chìm trong nước. Xức dầu, vì có tính cách linh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu). Soi sáng, vì đó là ánh sáng chói lọi. Mặc, vì che đi nỗi tủi nhục của chúng ta. Tắm, vì làm cho chúng ta sạch. Ấn tín, vì gìn giữ chúng ta và là dấu chỉ về quyền tối cao của Thiên Chúa" (Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Bài giảng 40, 3-4).

 


II. BÍ TÍCH THÁNH TẨY TRONG KẾ HOẠCH ƠN CỨU ĐỘ
Baptismus in Oeconomia salutis  

 

Những hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Tẩy trong Cựu Ước

Praefigurationes Baptismi in Vetere Foedere

1217.
Trong Phụng Vụ Đêm Phục Sinh, khi thánh hóa nước rửa tội, Hội Thánh long trọng nhắc lại những biến cố lớn trong lịch sử cứu độ tiên trưng về bí tích Thánh Tẩy:
"Lạy Chúa, Chúa dùng quyền năng vô hình mà làm cho các bí tích trở nên hữu hiệu lạ lùng. Qua dòng lịch sử cứu độ, Chúa đã bao lần dùng nước do Chúa tạo thành để bày tỏ hiệu năngcủa phép Thánh Tẩy" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội) .

1218 344, 694.
Từ khi tạo thiên lập địa, nước là một thụ tạo tầm thường nhưng kỳ diệu, được coi là nguồn mạch sự sống và sự phong nhiêu. Kinh Thánh cho thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên nước, để nước phát sinh sự sống.
"Ngay lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước, để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).

1219 701, 845.
Hội Thánh thấy con tàu Nôê tiên trưng về ơn cứu độ nhờ bí tích Thánh Tẩy: "Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy 8 người được cứu thoát nhờ nước" (1 Pr 3,20).
"Chúa dùng nước Hồng Thủy làm hình ảnh tiên báo phép rửa ban ơn tái sinh, vì thời đó cũng như bây giờ, nước biểu thị quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt tội lỗi, vừa khai mở một đời sống mới" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).

1220 1010.
Trong Kinh Thánh, nước nguồn tượng trưng cho sư sống, nước biển lại tượng trưng cho sự chết. Do đó, nước Thánh Tẩy có thể tượng trưng cho mầu nhiệm Thánh Giá : được rửa tội là cùng chết với Đức Kitô.

1221.
Đặc biệt cuộc Vượt Qua Biển Đỏ, tức là việc dân Israel thực sự được giải thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, loan báo ơn giải thoát do bí tích Thánh Tẩy mang lại:
“Chúa đã giải thoát con cháu ông Abraham khỏi vòng nô lệ mà dẫn qua Biển Đỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được thánh tẩy sau này" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).


1222.
Cuối cùng, bí tích Thánh Tẩy được tiên trưng trong việc dân Israel vượt qua sông Giođan, vào nhận phần Đất Thiên Chúa đã hứa cho dòng dõi Abraham. Đất Hứa là hình ảnh sự sống đời đời. Lời hứa ban sự sống đời đời sẽ được Thiên Chúa thực hiện trong Giao Ước Mới.

Phép Rửa của Đức Kitô

Baptismus Christi

1223 232.
Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Người khởi sự đời sống công khai sau khi để cho thánh Gioan Tẩy Giả dìm xuống nước sông Giođan (x. Mt 3,13). Sau khi phục sinh, Người trao sứ mạng cho các tông đồ: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy" (x. Mt 28, 19-20; Mc 16,15-16) .

1224 536.
Để "chu toàn thánh ý Thiên Chúa"(Mt 3,15), Đức Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Đức Giêsu đã đi vào mầu nhiệm "tự hạ" (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu là "Con Chí Ái" của Người (Mt 3,16-17).

1225 766.
Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như "một Phép Rửa" Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới (x.1Ga 5,6-8): từ giây phút ấy, chúng ta có thể "sinh ra nhờ nước và Thánh Thần" để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).
"Khi bạn được rửa tội hãy suy nghĩ bí tích Thánh Tẩy xuất phát từ đâu, nếu không phải là từ Thánh Giá, từ cái chết của Đức Kitô. Tất cả mầu nhiệm là: Người đã chịu khổ hình vì bạn. Nơi Ngưòi, bạn được chuộc; nơi Người, bạn được cứu" (Thánh Ambrôsiô, De Sacramentis, "Bàn về các bí tích" 2,2,6) .

Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh

Baptismus in Ecclesia

1226 849.
Ngay trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh đã cử hành và trao ban bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, thánh Phêrô đã tuyên bố với đám đông đang sửng sốt vì lời ngài giảng: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người phải chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân sủng là Thánh Thần" (Cv 2,38). Các tông đồ và các cộng sự trao ban bí tích Thánh Tẩy cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu: người Do Thái, người kính sợ Thiên Chúa, người ngoại giáo (x. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15). Bí tích Thánh Tẩy luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).

1227 790.
Theo thánh Phaolô tông đồ, nhờ bí tích Thánh Tẩy người tín hữu cùng chết với Đức Kitô, được mai táng và phục sinh với Người.
"Khi chúng ta được dìm vào nước Thánh Tẩy để nên một với Đức Kitô Giêsu, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã đưọc sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (x. Rm 6,3-4; Cl 2,12).
Những người được rửa tội "mặc lấy Chúa Kitô" (Gl 3,27). Nhờ Thánh Thần, bí tích Thánh Tẩy là "dìm xuống nước để thanh luyện, thánh hóa và công chính hóa" (x. 1Cr 6,11; 12,13).

1228.
Như vậy, bí tích Thánh Tẩy là dìm xuống nước để "Lời Chúa là hạt giống bất diệt" đâm chối nẩy lộc xinh tươi (x. 1Pr 1,23; Ep 5,26). Thánh Augustinô nói về bí tích Thánh Tẩy: "Lời liên kết với yếu tố vật chất và trở thành một bí tích" (Thánh Augustinô, "Tin Mừng Gio-an" 80,3).

 


III. BÍ TÍCH RỬA TỘI ĐƯỢC CỬ HÀNH THẾ NÀO?

Quomodo Baptismi celebratur sacramentum?  


Khai tâm Kitô giáo

Christiana initiatio

1229.
Ngay từ thời các tông đồ, người dự tòng phải trải qua con đường khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Con đường này có thể ngắn hay dài, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu sau: loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng và hoán cải, tuyên xưng đức tin, rửa tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể.

1230 1248.
Việc khai tâm này thay đổi nhiều qua các thời đại và tùy hoàn cảnh. Vào các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, việc khai tâm Kitô giáo được triển khai rất sâu rộng, với một giai đoạn dự tòng lâu dài gồm một số các nghi thức Phụng vụ chuẩn bị hướng đến việc cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo.

1231 13.
Nơi nào việc rửa tội cho trẻ em đã trở nên phổ biến, việc ban bí tích này trở thành một cử hành duy nhất thu gọn các giai đoạn khai tâm Kitô giáo. Theo bản chất, việc rửa tội trẻ em đòi hỏi sau đó phải có một giai đoạn khai tâm Kitô giáo, không những dạy về bí tích Thánh Tẩy, mà còn giúp triển nở ơn sủng bí tích Thánh Tẩy dựa theo sự tăng trưởng tự nhiên. Đó là giai đoạn dành cho giáo lý.

1232 1204.
Trong Giáo Hội Latinh, Công đồng Vaticanô II đã "tái lập thời kỳ dự tòng dành cho người lớn, chia thành nhiều giai đoạn" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 64). Các nghi thức của thời kỳ này được trình bày trong quyển "Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn" (1972).

Ngoài ra Công đồng còn cho phép các xứ truyền giáo "ngoài những yếu tố nhập đạo đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được nhận những yếu tố nhập đạo khác vẫn thấy sử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 65,37-40).

1233 1290.
Ngày nay trong các nghi lễ Latinh và Đông Phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn bắt đầu từ khi họ gia nhập thời kỳ dự tòng và đạt tới cao điểm trong một cử hành liên tiếp ba bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14; CIC can 851, 865, 866). Trong các nghi lễ Đông Phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho trẻ em bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy, liền sau đó là Thêm Sức và Thánh Thể; trong nghi lễ Latinh, việc khai tâm kéo dài trong nhiều năm học giáo lý và kết thúc với Thêm Sức và Thánh Thể là đỉnh cao (x. CIC can 851,2; 868).

Khai tâm về các mầu nhiệm được cử hành

Mystagogia celebrationis

1234.
Ý nghĩa và ân sủng của bí tích Thánh Tẩy được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Khi tham dự tích cực vào các cử chỉ và lời nói của các nghi thức, chúng ta sẽ hiểu được sự phong phú mà bí tích biểu thị và thực hiện trong người tân tòng.

1235 617 2157.
Dấu Thánh Giá ở đầu nghi thức là dấu ấn cho thấy quyền sở hữu của Chúa Kitô trên người sắp chịu phép rửa và biểu thị ơn Chúa cứu chuộc chúng ta nhờ thánh giá.

1236 1122.
Việc công bố Lời Chúa soi sáng các dự tòng và cộng đoàn bằng chân lý mặc khải, đồng thời gợi lên lời đáp trả bằng đức tin vốn gắn liền với bí tích Thánh Tẩy. Thực vậy, bí tích Thánh Tẩy đặc biệt là một "bí tích đức tin", vì đấy là cửa ngõ dẫn vào đời sống đức tin.

1237 1673 189.
Vì bí tích giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và kẻ xúi giục là ma quỉ, nên vị chủ sự đọc một hay nhiều lần lời nguyện trừ tà trên người dự tòng. Họ được vị chủ sự xức dầu dự tòng hoặc đặt tay, và họ công khai từ bỏ Satan. Giờ đây họ có thể tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà họ sẽ được "ủy thác" qua bí tích Thánh Tẩy (x.Rm 6,17).

1238 1217.
Nước rửa tội được thánh hiến bằng lời nguyện "xin ban Thánh Thần" ngay lúc cử hành hoặc trong đêm vọng Phục Sinh. Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa nhờ Con của Người, ban quyền năng Thánh Thần xuống trên nước này, để những người sắp chịu phép rửa "được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần" (Ga 3,5).

1239 1214.
Tiếp đến là nghi thức chính yếu của bí tích: nghi thức dìm xuống nướcbiểu thị và thực hiện việc người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Nghi thức Thánh Tẩy được thực hiện một cách có ý nghĩa trước nhất, qua ba lần dìm người dự tòng trong nước rửa tội. Nhưng từ xa xưa, bí tích có thể được trao ban bằng cách đổ nước ba lần trên đầu của người dự tòng.

1240.
Trong Giáo Hội Latinh, thừa tác viên vừa đổ nước ba lần vừa đọc: "T... Cha rửa con, Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Trong phụng vụ Đông Phương, người dự tòng quay về hướng Đông và linh mục đọc: "T... tôi tớ của Thiên Chúa, được rửa tội Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Vị chủ sự khẩn cầu từng ngôi, vừa dìm người dự tòng xuống nước rồi đưa lên.


1241 1294-1574 783.
Việc xức dầu được giám mục thánh hiến, biểu thị việc ban Thánh Thần cho người tân tòng. Họ trở nên một Kitô hữu, nghĩa là "được xức dầu" bằng Chúa Thánh Thần, được tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng được xức dầu để trở thành tư tế, ngôn sứ và vương đế (Nghi thức Rửa tội cho trẻ em, 62).

1242 1291.
Trong phụng vụ của các Giáo hội Đông Phương, việc xức dầu sau rửa tội là bí tích "xức dầu thánh" (Thêm Sức). Trong phụng vụ Rôma, việc này loan báo việc xức dầu thứ hai mà giám mục sẽ trao ban là bí tích Thêm Sức. Bí tích Thêm Sức "chuẩn nhận" và "hoàn tất" việc xức dầu khi rửa tội.

1243 1216.
Áo trắng tượng trưng người tân tòng "mặc lấy Chúa Kitô" (Gl 3,27), nghĩa là được phục sinh với Người. Cây nến được thắp sáng bằng lửa nến phục sinh biểu thị Đức Kitô soi sáng người tân tòng. Trong Đức Kitô, họ là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14; x. Pl 2,15).
2769.
Bây giờ người tân tòng đã là con cái Thiên Chúa trong Chúa Con nên có thể xướng lên lời nguyện của con cái Thiên Chúa: "Lạy Cha chúng con..."

1244 1292.
Rước lễ lần đầu. Được trở nên con Thiên Chúa và mặc lấy "áo cưới", người tân tòng được dự vào "tiệc cưới Con Chiên" và lãnh nhận của ăn dưỡng nuôi đời sống mới là Mình và Máu Chúa Kitô: các Giáo Hội Đông Phương cẩn thận bảo tồn sự thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo nên trao ban Thánh Thể cho tất cả những người vừa được rửa tội và thêm sức, kể cả các trẻ nhỏ vì nhớ lại lời Chúa: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cản chúng" (Mc 10,14).

Giáo Hội Latinh chỉ cho phép các em đến tuổi khôn mới được rước lễ, nên diễn tả việc bí tích Thánh Tẩy hướng đến bí tích Thánh Thể bằng cách đưa trẻ mới rửa tội đến gần bàn thờ để nguyện kinh Lạy Cha.

1245.
Phép lành trọng thể kết thúc nghi thức bí tích Thánh Tẩy. Khi rửa tội cho trẻ sơ sinh, việc chúc phúc cho người mẹ giữ một vai trò đặc biệt.

 


IV. AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI?

Quis Baptismum recipere potest?  

 

1246.
"Tất cả và chỉ những người chưa được rửa tội mới có khả năng lãnh bí tích Thánh Tẩy" (Bộ Giáo Luật, điều 864; x. Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 679).

Rửa tội cho người lớn

Baptismus adultorum

1247.
Thuở ban đầu, Hội Thánh chỉ rửa tội cho người lớn ở những nơi Tin Mừng vừa mới được loan báo. Trong trường hợp đó, thời kỳ dự tòng (chuẩn bị cho bí tích Thánh Tẩy) giữ một vị trí quan trọng. Được khai tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo, người dự tòng được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.

1248 1230.
Thời kỳ dự tòng hoặc thời gian huấn luyện có mục đích giúp đương sự đáp lại lời mời cứu độ của Thiên Chúa và hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh, hoán cải và tiến đến một đức tin trưởng thành. "Đây chính là thời gian huấn luyện đời sống Kitô giáo đầy đủ... để nhờ đó, môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Các dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14; Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn, 11,98,36).

1249 1259.
"Những người dự tòng đã kết hợp với Hội Thánh, đã thuộc về gia đình của Chúa Kitô và có khi đã sống đời sống đức Tin, Cậy, Mến rồi" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14). "Hội Thánh là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14; x. CIC can 206; 788, 3).

Rửa tội cho trẻ em

Baptismus infantium

1250 403 1996.
Được sinh ra với bản tính con người đã sa ngã và hoen ố do nguyên tội, trẻ em cũng cần được sinh ra trong đời sống mới nhờ bí tích Thánh Tẩy (CĐ Triđentinô, DS 1514), để thoát khỏi quyền lực tối tăm và được hưởng tự do của con cái Thiên Chúa mà mọi người được mời gọi (x. Cl 1,12-14).

Việc rửa tội trẻ em cho thấy Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn toàn nhưng không. Nếu không cho các em lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy càng sớm càng tốt sau khi sinh, thì Hội Thánh và cha mẹ sẽ ngăn chặn các em lãnh nhận ơn vô giá là được trở nên con cái Thiên Chúa (x. CIC can 867; CCEO can 681; 686,1) .

1251.
Các bậc cha mẹ Kitô hữu phải ý thức rằng việc rửa tội cho con cái phù hợp với vai trò nuôi dưỡng sự sống mà Thiên Chúa ủy thác cho họ (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11,41; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 48; CIC can 774,2.1136).

1252.
Việc rửa tội cho trẻ em là một truyền thống không biết có tự bao giờ. Hội Thánh minh nhiên xác nhận điều này ngay từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ đầu các tông đồ cũng đã rửa tội cho trẻ em, khi có những gia đình mà "cả nhà" đều chịu phép rửa (x. Cv 16,15.33; 18,8; 1Cr 1,16; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Pastoralis actio, 4).

Đức tin và bí tích Thánh Tẩy

Fides et Baptismus

1253 1123 168.
Bí tích Thánh Tẩy là bí tích đức tin (x. Mc 16,16). Không thể tách đức tin khỏi cộng đoàn tín hữu. Đức tin của chúng ta gắn liền với đức tin của Hội Thánh. Đức tin cần có để được rửa tội chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng thành, nhưng là một khởi đầu cần được phát triển. Hội Thánh hỏi người dự tòng hoặc người đỡ đầu: "Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?" Và họ trả lời: "Con xin đức tin".

1254 2101.
Đức tin của những người đã được rửa tội, trẻ em hay người lớn, cần được tăng trưởng sau khi rửa tội. Chính vì thế, hằng năm trong đêm vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội. Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy chỉ dẫn tới ngưỡng cửa của đời sống mới. Bí tích Thánh Tẩy là nguồn mạch phát sinh đời sống mới trong Đức Kitô, từ đó phát sinh đời sống Kitô hữu.

1255 1311.
Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp đỡ để ơn sủng của bí tích Thánh Tẩy được phát triển. Đó cũng là vai trò của người đỡ đầu. Họ phải là người tín hữu tốt, có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ người chịu phép rửa sống đạo (x. CIC can 872-874). Trách nhiệm của họ là một phận vụ đích thực của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 67). Tất cả cộng đoàn Hội Thánh đều có một phần trách nhiệm trong việc phát triển và bảo tồn ân huệ nhận được trong bí tích Thánh Tẩy.

 


V. AI CÓ THỂ BAN BÍ TÍCH RỬA TỘI?

Quis baptizare potest?  

 

1256 1752 1279,1240.
Thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tẩy là giám mục, linh mục, riêng trong Giáo Hội Latinh cả phó tế nữa (Bộ Giáo Luật, điều 861, 1; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 677,1). Trong trường hợp khẩn thiết, mọi người - ngay cả những người chưa rửa tội nhưng có ý hướng đúng đắn - cũng có thể dùng công thức: nhân danh Chúa Ba Ngôi mà rửa tội (x. CIC 861,2). Ý hướng đúng đắn là muốn làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội. Hội Thánh chấp nhận điều này, vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4) và bí tích Thánh Tẩy là phương thế cần thiết để được cứu độ (x. Mc 16,16).

 


VI. SỰ CẦN THIẾT CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Necessitas Baptismi  


1257 1129 161,846.
Chính Chúa Giêsu khẳng định bí tích Thánh Tẩy là cần thiết để được cứu độ (x. Ga 3,5). Vì thế, Người cũng sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho mọi dân tộc (x. Mt 28,20; CĐ Triđentinô, DS 1618; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14; Sắc lệnh Ad Gentes, 5). Bí tích Thánh Tẩy rất cần cho những người đã được nghe loan báo Tin Mừng và tự nguyện (x. Mc 16,16) xin chịu phép rửa, để được cứu độ. Ngoài bí tích Thánh Tẩy, Hội Thánh không có phương thế nào khác bảo đảm cho con người được hưởng hạnh phúc đời đời.

Vì thế, Hội Thánh không xao lãng sứ mạng Chúa đã giao phó là rửa tội cho tất cả những ai có thể lãnh nhận, để họ "được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần". Thiên Chúa đã liên kết ơn cứu độ với bí tích Thánh Tẩy, nhưng chính Người không bị các bí tích ràng buộc.

1258 2473.
Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy, vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô. Dù không là bí tích, rửa tội bằng máu, cũng như ước muốn được rửa tội, vẫn mang lại hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy.

1259 1249.
Đối với những người dự tòng chết trước khi được rửa tội, nếu họ minh nhiên ước muốn được rửa tội, đồng thời sám hối tội lỗi và sống đức mến, thì họ được bảo đảm ơn cứu độ, dù chưa thể lãnh nhận bí tích.

1260 848.
"Vì Đức Kitô đã chết cho tất cả và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó chỉ có Chúa biết" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22; Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16; Sắc lệnh Ad Gentes, 7).

Bất kỳ ai, dù không nhận biết Tin Mừng và Hội Thánh của Đức Kitô, nhưng tìm kiếm và thực thi ý muốn của Thiên Chúa theo sự hướng dẫn của lương tâm, có thể được cứu độ. Chúng ta có thể giả thiết họ sẽ khao khát lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nếu họ biết đến sự cần thiết của bí tích này.

1261 1250 1257.
Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh chỉ còn biết trao phó các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa từ bi, như Hội Thánh đã làm trong nghi lễ an táng dành cho các em. Thực vậy, Thiên Chúa giàu lòng thương xót muốn mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đã trìu mến các em nên đã nói: "Hãy để trẻ em đến cùng Ta, đừng ngăn cản chúng" (Mc 10,14). Vì thế, chúng ta hy vọng có một con đường cứu độ dành cho những trẻ em chết mà chưa được rửa tội. Hội Thánh mời gọi các phụ huynh đừng ngăn cản trẻ em đến với Chúa Kitô nhờ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.

 


VII. ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

Gratia Baptismi 


1262 1234.
Những yếu tố khả giác của nghi lễ cho thấy các hiệu quả khác nhau của bí tích Thánh Tẩy. Việc dìm người xuống nước tượng trưng cho sự chết và thanh luyện, nhưng cũng là biểu tượng cho sự tái sinh và đổi mới. Do vậy, hai hiệu quả chính của bí tích Thánh Tẩy là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).

Để tha thứ tội lỗi…

In remissionem peccatorum...

1263 977 1425.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (CĐ Florentinô, DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.

1264 976,2514 1426 405
Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như: đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối... và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là "cái nôi của tội". "Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu.

Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, "không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ" (2 Tm 2,ề 5) (x. CĐ Trentô, DS 1515).

"Một tao vật tạo mới"

« Nova creatura »

1265 505 460.
Bí tích Thánh Tẩy không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên "một thụ tạo mới" (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), "được thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).

1266 1992.
Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó:

 

1812 - có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần;
1831 - có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân;
1810 - ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.

Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy.

Tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô

Ecclesiae, Christi corpori, incorporati

1267 782.
Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, "bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau" (Ep 4,25). Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. "Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể" (1 Cr 12,13).

1268 1141 784.
Những người đã được rửa tội trở nên "những viên đá sống động... để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh" (1 Pr 2,5). Nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người. "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền" (2 Pr 2,9). Bí tích Thánh Tẩy cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.

1269 871.
Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ "không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta" (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x.Ep 5,21; 1Cr 16, 15-16) và phục vụ nhau (x.Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x. Dt 13, 17) với lòng kính trọng và quý mến (x.1Tx 5,12-13). Bí tích Thánh Tẩy đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 37; CIC can 208-223; CCEO can 675,2).

1270 2472.
"Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 17; Sắc lệnh Ad Gentes, 7,23).

Mối dây hiệp nhất các Kitô hữu

Sacramentale unitatis christianorum vinculum

1271 818,838.
Bí tích Thánh Tẩy đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, ngay cả với những người chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo: "Thật vậy, những người tin ở Chúa Kitô và đã được rửa tội đúng phép, vẫn hiệp thông với Hội Thánh Công giáo một cách nào đó, cho dầu không được hoàn hảo... Được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, vì thế họ có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được con cái của Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3). "Vậy phép Rửa Tội tạo nên mối dây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 22).

 

Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa…

Signum spirituale indelebile...

1272 1121
Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, người được rửa tội trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Kitô (x. Rm 8,29). Bí tích Thánh Tẩy ghi trên Kitô hữu một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa để chỉ cho biết họ thuộc về Chúa Kitô. Không một tội lỗi nào xóa được dấu ấn này, cho dù tội lỗi ngăn cản bí tích Thánh Tẩy mang lại những hiệu quả cứu độ (CĐ Triđentinô, DS 1609-1619). Mỗi người chỉ nhận bí tích Thánh Tẩy một lần mà thôi.

1273 1070.
Được tháp nhập vào Hội Thánh nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đã được ấn tích thánh hiến để họ thi hành việc phụng tự Kitô giáo. Ấn tín rửa tội vừa cho họ khả năng vừa đòi buộc họ phụng sự Thiên Chúa, bằng cách tham dự tích cực vào phụng vụ của Hội Thánh và thực thi chức vụ tư tế cộng đồng bằng đời sống thánh thiện và đức mến năng động để làm chứng cho Chúa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11,10).

1274 197 2016.
"Ấn tín của Chúa" (x. Thánh Augustinô, thư 98,5) là dấu ấn Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta "để chờ ngày cứu chuộc" (Ep 4,30). "Thật vậy, bí tích Thánh Tẩy là ấn tín của sự sống muôn đời" (x. Thánh Irênê, Trình bày đức tin 3 ). Người tín hữu "được Thiên Chúa ghi dấu đức tin" (Kinh nguyện Thánh Thể I còn gọi là Lễ Quy RômaSách Lễ Rôma, 454) phải "gìn giữ ấn tín" này cho đến cùng, nghĩa là trung thành với những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy; họ có thể an giấc trong niềm tin của bí tích Thánh Tẩy, chờ ngày được hưởng Nhan Thánh Chúa và hy vọng sẽ được sống lại vinh quang.

 


TÓM LƯỢC

Compendium


1275.
Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện bằng ba bí tích: bí tích Thánh Tẩy khởi đầu đời sống mới; bí tích Thêm Sức củng cố đời sống mới; và bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng người môn đệ bằng Mình và Máu Chúa Kitô để biến đổi họ nên đồng hình đồng dạng với Người.

1276.
"Hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy" (Mt 28, 19-20).

1277.
Bí tích Thánh Tẩy tái sinh con người vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo thánh ý Thiên Chúa, con người cần đến bí tích Thánh Tẩy cũng như cần đến Hội Thánh để được cứu độ. Bí tích Thánh Tẩy đưa con người vào Hội Thánh.

1278.
Nghi thức chủ yếu của bí tích Thánh Tẩy là dìm người dự tòng vào trong nước hoặc đổ nước trên đầu, trong khi kêu cầu Ba Ngôi Chí Thánh là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

1279.
Hiệu quả hay ân sủng của bí tích Thánh Tẩy rất phong phú: tha nguyên tội và mọi tội riêng đã phạm sinh ra trong đời sống mới nhờ đó con người trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, thành chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần. Đồng thời, cho người được rửa tội tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô, và tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô.

1280.
Bí tích Thánh Tẩy in vào linh hồn một dấu thiêng liêng không thể tẩy xóa gọi là "ấn tích". Ấn tích này thánh hiến người được rửa tội để thi hành việc phụng thờ Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chỉ được nhận bí tích Thánh Tẩy một lần mà thôi (CĐ Triđentinô, DS 1609 và 1624).


1281.
Những người chịu chết vì đức tin cũng như người dự tòng và tất cả những ai vô tình không nhận biết Hội Thánh, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa dưới tác động của ơn thánh và cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa, vẫn có thể được cứu độ dù chưa nhận bí tích Thánh Tẩy (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 16).

1282.
Từ thời xa xưa, Hội Thánh đã ban bí tích Thánh Tẩy cho các trẻ em, vì đây là quà tặng, là hồng ân của Thiên Chúa chứ không do công trạng của con người. Các em được rửa tội trong đức tin của Hội Thánh. Và khi đưa các em vào đời sống Kitô hữu, Hội Thánh dẫn các em đến tự do đích thực.

1283.
Về phần các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Phụng Vụ Hội Thánh mời gọi chúng ta phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa và cầu nguyện cho các em.

1284.
Trong trường hợp khẩn thiết, mọi người đều có thể rửa tội, miễn là có ý làm điều Hội Thánh muốn làm và đổ nước lên đầu người lãnh nhận trong khi đọc: "Tôi rửa anh nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ