Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ BA

Ðời Sống Trong Ðức Kitô

PARS TERTIA 
VITA IN CHRISTO


ĐOẠN THỨ HAI
MƯỜI ĐIỀU RĂN

SECTIO SECUNDA 
DECEM PRAECEPTA

 

CHƯƠNG I
"NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA,
THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI HẾT LÒNG,
HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI"

CAPUT PRIMUM 
«DILIGES DOMINUM DEUM TUUM IN TOTO CORDE TUO 
ET IN TOTA ANIMA TUA ET IN TOTA MENTE TUA»


Mục 2
ĐIỀU RĂN THỨ HAI

Articulus 2: Secundum praeceptum


“Ngươi không được kêu tên Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng” (Xh 20,7; Đnl 5,11).
"Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng: "Ngươi chớ bội thề... còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả" (Mt 5,33-34).

 


2807-2815
I. DANH THIÊN CHÚA LÀ THÁNH

Sanctum est Nomen Domini


2142.
Điều răn thứ hai dạy phải tôn kính danh Thiên Chúa. Cũng như điều răn trước, điều răn này thuộc về nhân đức thờ phượng và đặc biệt quy định việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt các sự thánh.

2143 203 435.
Trong các lời mặc khải, lời mặc khải về Danh Thiên Chúa chiếm vị trí hàng đầu. Thiên Chúa bày tỏ Danh Người cho những kẻ tin, mặc khải cho họ chính mầu nhiệm bản thân Người. Điều này cho thấy Thiên Chúa tín nhiệm và thân thiết với con người. "Danh của Thiên Chúa là Thánh", nên con người không được lạm dụng. Họ phải ghi nhớ Danh Thánh ấy trong kính cẩn tôn thờ và yêu mến (Gcr 2,17). Chỉ được kêu cầu Danh Thánh để chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa mà thôi (x. Tv 29,2 ; 96, 2; 113,1-2 ).

2144.
Tôn kính Danh Thiên Chúa là tôn kính chính Thiên Chúa và mọi thực tại thánh. Cảm thức về sự thánh thiêng thuộc nhân đức thờ phượng :

"Những tâm tình kính sợ và cảm thức về linh thánh có phải là những tâm tình Ki-tô giáo không? Không ai có thể nghi ngờ điều đó. Đó chính là tâm tình mà chúng ta phải có, và sẽ tăng lên mãnh liệt, nếu chúng ta thấy được Thiên Chúa uy linh. Đó là những tâm tình mà chúng ta phải có, nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người. Chúng ta sẽ có những tâm tình ấy, tùy mức độ chúng ta tin vào sự hiện diện của Người. Không có những tâm tình ấy, tức là không nhận ra, không tin Người hiện diện" (Newman, par. 5,2).

2145 2472 427.
Người tín hữu phải làm chứng cho Danh Thiên Chúa, bằng cách can đảm tuyên xưng đức tin (x. Mt 10,32; 1Tm 6,12). Việc rao giảng và huấn giáo phải được thực hiện trong tinh thần thờ phượng và tôn kính đối với Thánh Danh Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

2146.
Điều răn thứ hai cấm lạm dụng Danh Thiên Chúa, nghĩa là sử dụng bất xứng đối với danh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su Ki-tô, Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh.


2147 2101.
Những lời hứa với tha nhân nhân danh Thiên Chúa, đều liên hệ đến danh dự, sự trung thành, sự chân thật và uy quyền của Thiên Chúa, nên phải được tôn trọng theo lẽ công bình. Thất hứa là lạm dụng danh Thiên Chúa, và biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối (1Ga 1,10).

2148.
Lộng ngôn vi phạm trực tiếp điều răn thứ hai. Lộng ngôn là xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng hay ngoài miệng bằng những lời hận thù, than trách, thách thức; là nói xấu Thiên Chúa, bất kính trong lời nói, và lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê khiển trách những kẻ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp "của Chúa Giê-su" đã được kêu khấn trên họ (Gc 2,7). Luật cấm nói lộng ngôn, cũng cấm nói phạm đến Hội Thánh Chúa Ki-tô, các thánh và những sự thánh. Người ta cũng phạm tội lộng ngôn khi lạm dụng danh Thiên Chúa để che đậy những hành vi tội ác, để bắt các dân tộc làm nô lệ, để tra tấn hoặc giết người. Lạm dụng danh Thiên Chúa để phạm tội ác là gây cớ cho người ta ghét đạo.
1756.
Lộng ngôn nghịch lại với bổn phận tôn trọng Thiên Chúa và Danh thánh Người. Lộng ngôn là một tội trọng (x. CIC, 1369).

2149.
Kêu tên Chúa vô cớ, dù không có ý xúc phạm cũng là thiếu tôn kính Thiên Chúa. Điều răn thứ hai cấm sử dụng Danh Thiên Chúa vào việc  ma thuật.

“Danh Thiên Chúa thật cao cả, khi được kêu cầu cách tôn kính, xứng với sự vĩ đại và uy nghi của Người. Danh của Chúa thật thánh thiện, khi được kêu cầu với lòng sùng mộ và sợ xúc phạm tới Người’ (T.Âu tinh, bài giảng. Dom 2,45-19).

 


II. KÊU DANH THIÊN CHÚA VÔ CỚ

Nomen Domini falso pronuntiatum


2150.
Điều răn thứ hai cấm thề gian. Thề là lấy Chúa làm chứng cho điều mình xác quyết, là kêu cầu Thiên Chúa chân thật để bảo đảm mình nói thật. Lời thề là lời cam kết nhân danh Thiên Chúa "Chính Thiên Chúa là Đấng anh em phải kính sợ, là Đấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề" (x. Đnl 6,13).

2151 215.
Người tín hữu có bổn phận phải bài trừ thói thề gian. Vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Đức Chúa, nên Người là mẫu mực mọi sự chân thật. Lời nói của con người có thể phù hợp hay trái nghịch với Thiên Chúa là chính Sự Thật. Lời thề chân thật và chính đáng cho thấy lời nói con người phù hợp với chân lý của Thiên Chúa. Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho một lời nói dối.

2152 2476 1756.
Bội thề là thề hứa một điều gì, nhưng không có ý giữ hay không giữ lời thề. Người bội thề thiếu lòng tôn kính nghiêm trọng đối với Thiên Chúa, họ làm một việc xấu là phạm đến thánh danh Thiên Chúa.

2153 2466.
Trong Bài Giảng Trên Núi: Đức Giê-su đã nói đến điều răn thứ hai: "Anh em nghe luật dạy người xưa rằng: "Chớ bội thề nhưng hãy giữ trọn lời thề với Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả... Nhưng hễ "có" thì phải nói "có"; "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ma quỉ" (Mt 5,33-34.37) (x. Gcb 5,12). Như thế Đức Giê-su dạy rằng, mọi lời thề luôn quy chiếu về Thiên Chúa, và trong mọi lời nói của ta, phải tôn trọng sự hiện diện cũng như sự chân thật của Thiên Chúa. Cẩn trọng khi kêu cầu danh Thiên Chúa, là cách chúng ta tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Người: lời chân thật tôn vinh sự hiện diện của Chúa, lời nói dối xúc phạm đến Người.

2154
Theo gương thánh Phao-lô (x. 2Cr 1,23; Ga 1,20), truyền thống Hội Thánh vẫn hiểu lời của Đức Giê-su là không cấm thề nếu có lý do nghiêm trọng và chính đáng (ví dụ trước tòa án) "Lời thề là kêu cầu đến danh Thiên Chúa để làm chứng cho sự thật, nên chỉ được thề khi nói sự thật, có suy xét và theo công lý" (x. CIC 1199,1).

2155 1903.
Vì danh Thiên Chúa là thánh, không được kêu tên Chúa vô cớ, hoặc thề trong những hoàn cảnh có thể bị cắt nghĩa là đồng tình nhà cầm quyền đòi hỏi một cách không chính đáng. Khi chính quyền bất hợp pháp buộc thề thì có quyền từ chối. Phải từ chối, khi bị bắt buộc thề vì những mục đích trái với nhân phẩm hay nghịch với sự hiệp thông của Hội Thánh.

 


III. DANH HIỆU KITÔ HỮU

Nomen christianum


2156 232 1267.
Chúng ta nhận bí tích Thánh Tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19). Trong bí tích này, danh Thiên Chúa thánh hóa con người và người này nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Tên riêng này có thể là tên của một vị thánh, nghĩa là của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức mến và luôn chuyển cầu cho ta. "Tên thánh" cũng có thể nêu lên một mầu nhiệm Ki-tô giáo hay một nhân đức. "Cha mẹ, người đỡ đầu và cha xứ cần lưu tâm đừng đặt tên không phù hợp với ý nghĩa ki-tô giáo" (x. CIC, 855).

2157 1235 1668.
Người Ki-tô hữu khi thức dậy, khi bắt đầu kinh nguyện và việc làm, đều làm dấu Thánh Giá "Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men". Người tín hữu dâng trọn vẹn ngày sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Thế ban ân sủng giúp họ hành động trong Thánh Thần như con thảo của Chúa Cha. Dấu Thánh Giá giúp ta mạnh sức, để vượt qua các cơn cám dỗ và những lúc khó khăn.

2158.
Thiên Chúa gọi từng người bằng chính tên của họ (x. Is 43,1; Ga 10,3). Tên của mỗi người là thánh thiêng. Tên là người, nên phải được tôn trọng như dấu chỉ nhân phẩm của người mang tên đó.

2159.
Mỗi người sẽ mang tên của mình mãi mãi. Chỉ trong Nước Trời, tính độc đáo và huyền nhiệm của những ai đã được ghi dấu bằng Danh Thiên Chúa mới được bộc lộ trọn vẹn trong ánh sáng "Ai chiến thắng ... Ta sẽ ban cho một viên sỏi trắng, trên đó có khắc một tên mới mà chẳng ai biết được, ngoài người lãnh nhận nó" (Kh 2,17). "Kìa Con Chiên hiện ra trước mắt tôi, đứng trên núi Sion, cùng với một trăm bốn mươi bốn ngàn người mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán" (Kh 14,1).


TÓM LƯỢC

Compendium


2160
"Ôi lạy Chúa, Thiên Chúa chúng con, cao cả thay danh Chúa khắp trên hoàn cầu" (Tv 8,2).

2161
Điều răn thứ hai dạy phải tôn kính danh Thiên Chúa. Danh Thiên Chúa là thánh.

2162
Điều răn thứ hai cấm mọi lạm dụng danh Chúa. Lộng ngôn là tội xúc phạm đến Danh của Thiên Chúa, của Đức Giê-su Ki-tô, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và các thánh.

2163
Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho một lời nói dối. Bội thề là một tội trọng xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành giữ lời đã hứa.

2164
"Đừng thề nhân danh Đấng Sáng Tạo, cũng đừng lấy thụ tạo mà thề, ngoại trừ khi thề cách chân thật, vì cần thiết và với lòng tôn kính" (T. Ignatio, Linh Thao 38).

2165
Qua bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Cha mẹ, người đỡ đầu và cha xứ cần lưu tâm để đặt cho họ một tên ki-tô giáo. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức bác ái và luôn chuyển cầu cho ta.

2166
Người Ki-tô hữu bắt đầu các kinh nguyện và việc làm bằng dấu Thánh Giá "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. A-men".

2167
Thiên Chúa gọi từng người bằng chính tên của họ (x. Is 43,1).

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ