Nước Trời Của Những Ai Nên Giống Như Trẻ Nhỏ (Mt 19,4)

 

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

CATECHISMUS CATHOLICAE ECCLESIAE

1992

 

PHẦN THỨ BA

Ðời Sống Trong Ðức Kitô

PARS TERTIA 
VITA IN CHRISTO


ĐOẠN THỨ HAI
MƯỜI ĐIỀU RĂN

SECTIO SECUNDA 
DECEM PRAECEPTA

 

CHƯƠNG II
"NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG
NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH"

CAPUT SECUNDUM
«DILIGES PROXIMUM TUUM TAMQUAM TEIPSUM»


Mục 7
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY

Articulus 7: Septimum praeceptum


"Ngươi không được trộm cắp " (Xh 20, 15; Đnl 5,19).
"Ngươi không được trộm cắp" (Mt 19,18).

2401 1807 952
Điều răn thứ bảy cấm lấy hoặc giữ tài sản của kẻ khác cách bất công, cấm làm hại của cải họ bất cứ bằng cách nào. Điều răn này dạy phải giữ công bằng và bác ái trong việc quản lý những của cải trần thế và thành quả lao động của con người. Vì công ích, điều răn này đòi phải tôn trọng quyền chung hưởng các của cải trần thế và quyền tư hữu. Người Ki-tô hữu cố gắng sử dụng mọi của cải trần thế để phụng sự Thiên Chúa và thực thi bác ái huynh đệ.

 


I. QUYỀN CHUNG HƯỞNG CỦA CẢI TRẦN THẾ VÀ QUYỀN TƯ HỮU

Destinatio universalis et proprietas privata bonorum


2402 226 1939
Từ khởi thủy, Thiên Chúa trao địa cầu và các tài nguyên cho nhân loại chung sức quản lý, để con người chăm sóc, chế ngự chúng bằng lao động và hưởng dùng hoa trái của địa cầu (x. St 1,26-29). Của cải trong trần gian được dành cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho cuộc sống con người khỏi nghèo đói và bị bạo lực đe dọa, Thiên Chúa chia trái đất thành nhiều phần. Cho con người quyền sở hữu của cải là chính đáng để bảo đảm tự do và phẩm giá con người, để mỗi người đáp ứng được các nhu cầu căn bản của họ và của những ai họ có trách nhiệm coi sóc. Quyền này cũng phải nói lên tình liên đới tự nhiên giữa người với người.

2403
Quyền tư hữu của cải do mình làm ra hay nhận được một cách chính đáng, không hủy bỏ việc Thiên Chúa đã ban địa cầu cho toàn thể nhân loại ngay từ nguyên thủy. Quyền chung hưởng của cải vẫn ưu tiên, cho dù sự thăng tiến công ích đòi phải tôn trọng tư sản, quyền tư hữu và việc hành sử quyền này.

2404 307
"Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình sở hữu cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác nữa" (x. GS 69,1). Người sở hữu một tài sản là người được Thiên Chúa quan phòng trao cho nhiệm vụ quản lý, để làm cho của cải này sinh hoa lợi và thông phần lợi ích cho người khác, trước tiên là cho những người thân của mình.

2405
Chủ nhân của những tư liệu sản xuất, vật chất hoặc phi vật chất, như đất đai hoặc cơ xưởng, những kỹ năng hay nghệ thuật, phải biết chăm lo để lợi tức của chúng đem lại ích lợi cho nhiều người hơn. Những người sở hữu các sản phẩm tiêu dùng, phải sử dụng chừng mực, dành phần tốt đẹp hơn cho người khách, người đau ốm, người nghèo khổ.

2406 1903
Vì công ích, chính quyền có quyền và bổn phận điều tiết, việc hành sử chính đáng quyền sở hữu (x. GS 71,4).

 


II. TÔN TRỌNG CON NGƯỜI VÀ TÀI SẢN

Personarum et earum bonorum observantia


2407 1809 1807 1839
Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi chúng ta phải sống tiết độ, biết tiết chế lòng ham muốn của cải trần gian; sống công bằng, biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của tha nhân; và sống liên đới, theo "quy luật vàng" và theo lòng hào phóng của Chúa. "Người vốn giàu sang phú quý đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" (2Cr 8,9).

Tôn trọng tài sản tha nhân

Observantia bonorum alienorum
2408
Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, nghĩa là cấm chiếm đoạt tài sản tha nhân bất chấp ý muốn chính đáng của sở hữu chủ. Nếu có thể đoán trước được sự ưng thuận của chủ hoặc sự khước từ của họ nghịch với lẽ phải và với quyền chung hưởng của cải trần thế thì việc chiếm hữu tài sản không còn là tội ăn cắp. Như thế, trong trường hợp khẩn cấp và rõ ràng, và không còn cách nào để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu (thức ăn, chỗ ở, áo quần...), thì được quyền sử dụng tài sản tha nhân (x. GS 69,1).

2409 1867
Mọi hình thức chiếm đoạt và cầm giữ cách bất công tài sản tha nhân, dù không nghịch với dân luật, vẫn nghịch với điều răn thứ bảy, như cố tình không trả của đã mượn, giữ lại của rơi, buôn gian bán lận (x. Đnl 25,13-16), trả lương thiếu công bằng (x. Đnl 24,14-15, Gcb 5,4),lợi dụng sự không biết và khó khăn của tha nhân để tăng giá (x. Am 8,4 6).
Về phương diện luân lý, những việc sau đây bất hợp pháp: đầu cơ, làm biến động giá cả cách giả tạo với mục đích trục lợi cho mình nhưng làm thiệt hại cho tha nhân; hối lộ, làm sai lệch phán đoán của những người có bổn phận quyết định theo luật pháp; chiếm đoạt và sử dụng tài sản tập thể làm của riêng; làm ăn thiếu trách nhiệm, lậu thuế, giả mạo các chi phiếu và hóa đơn, chi tiêu quá mức, lãng phí. Cố ý gây thiệt hại tài sản tư nhân hoặc công cộng là nghịch với luật luân lý và phải bồi thường.

2410 2101
Phải giữ lời hứa, và thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã cam kết trong mức độ công bằng và hợp lý. Đời sống kinh tế và xã hội tùy thuộc rất nhiều vào các hợp đồng thương mại, những giao kèo thuê mướn hoặc lao động. Mọi hợp đồng đều phải được thỏa thuận và thi hành với thiện ý.

2411 1807
Các hợp đồng phải tuân theo công bằng giao hoán quy định những sự trao đổi giữa các cá nhân và giữa các tổ chức trong sự tôn trọng đúng mức các quyền lợi của nhau. Công bằng giao hoán phải được triệt để tôn trọng, vì nó buộc con người bảo toàn các quyền tư hữu, hoàn trả nợ nần và tuân giữ các nghĩa vụ đã tự do giao kết. Không có công bằng giao hoán thì không thể có một hình thức công bằng nào khác.

Cần phân biệt công bằng giao hoán với công bằng pháp lý quy định những bổn phận công bình của ngưòi công dân đối với cộng đồng, và với công bằng phân phối quy định việc cộng đồng phải thực hiện cho người công dân tương xứng với những đóng góp và những nhu cầu của họ.

2412 1459
Công bằng giao hoán đòi chúng ta phải đền bù điều bất công đã làm bằng cách hoàn lại của cải đã lấy cắp cho sở hữu chủ:

2487
Đức Giêsu khen Giakêu vì lời hứa của ông: "Nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Những ai đã trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt tài sản tha nhân, buộc phải hoàn lại, hoặc nếu đồ vật đó không còn nữa, phải trả lại bằng hiện vật hay tiền mặt tương đương, kèm theo tiền lời và các lợi lộc khác mà sở hữu chủ của nó đã có thể hưởng được cách chính đáng. Tất cả những người đã tham gia vào việc trộm cắp một cách nào đó, hoặc đã thừa hưởng mà biết rõ là của phi pháp, đều phải hoàn trả cân xứng theo trách nhiệm và lợi lộc đã hưởng, ví dụ những người đã truyền lệnh hoặc giúp đỡ, hoặc tàng trữ, che giấu.

2413
Các trò đỏ đen (cờ bạc v.v...) hoặc cá cược, tự chúng không nghịch với phép công bằng, nhưng về phương diện luân lý, không thể chấp nhận được khi chúng cướp đi những cái cần thiết để nuôi sống bản thân và người khác. Cờ bạc biến kẻ ham mê thành nô lệ. Cờ gian bạc lận là một lỗi nặng, trừ khi gây thiệt hại rất nhẹ đến độ người bị thiệt thấy việc đó không đáng kể.

24142297
Điều răn thứ bảy nghiêm cấm bất cứ hành vi hoặc dịch vụ nào - vì bất cứ một lý do gì, vì ích kỷ hoặc vì ý thức hệ, lợi nhuận hoặc độc tài - dẫn tới việc nô lệ hóa con người, không nhìn nhận nhân phẩm của họ, mua bán hoặc trao đổi họ như hàng hóa. Tội này xúc phạm đến nhân phẩm và những quyền căn bản của con người vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi. Thánh Phao-lô đã ra lệnh cho một chủ nhân Ki-tô hữu phải đối xử với người nô lệ đồng đạo "không như một nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến... như một con người, trong Đức Chúa" (Plm 16).

Tôn trọng sự toàn vẹn của các thụ tạo

Observantia integritatis creationis
2415 226, 358 378 373
Điều răn thứ bảy dạy phải tôn trọng sự toàn vẹn của vạn vật. Thiên Chúa đã ban thú vật, thực vật và những vật vô tri, nhằm phục vụ lợi ích chung của nhân loại trong quá khứ, hiện nay và tương lai (x. St 1,28-31). Khi sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, con người phải tôn trọng các đòi hỏi của luân lý: Đấng Sáng Tạo đã ban cho con người quyền bá chủ trên các vật vô tri và những sinh vật khác, nhưng không phải quyền tuyệt đối, vì phải để ý đến ảnh hưởng trên đời sống của tha nhân, kể cả những thế hệ tương lai; quyền này đòi chúng ta phải trân trọng sự toàn vẹn của vạn vật (x. CA 37-38).

2416 344
Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa và được Người ân cần chăm sóc (Mt 6,2). Chúng hiện hữu để ca tụng và tôn vinh Người (x. Đn 3, 57-58). Do đó, con người phải biết thương chúng. Các thánh như Phanxicô Assisi hoặc thánh Philipphê Nêri đều đối xử dịu hiền với thú vật.

2417 2234
Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người và trao phó quyền quản lý các thú vật (x. St 2,19-20; 9,1-4). Do đó con người được phép ăn thịt thú vật và lấy da làm y phục, có thể thuần hóa chúng để trợ lực con người trong lao động và giải trí. Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về phương diện luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người.

2418 2446
Hành hạ hay giết hại thú vật cách vô ích là điều trái với phẩm giá con người. Cũng thế, chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, thì cũng là một việc bất xứng. Người ta có thể thương thú vật, nhưng không được dành cho chúng tình yêu, chỉ xứng với con người.

 


III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA HỘI THÁNH 

Socialis doctrina Ecclesiae


2419 1960 359
"Mặc khải Ki-tô giáo đưa ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội" (x. GS 23,1). Qua Tin Mừng, Hội Thánh nhận được mặc khải trọn vẹn chân lý về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh nhân danh Đức Ki-tô, xác nhận cho con người biết phẩm giá riêng và ơn gọi hiệp thông của con người. Hội Thánh dạy cho con người biết các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.

2420
Trong lãnh vực kinh tế và xã hội, Hội Thánh chỉ đưa ra một phán đoán luân lý "khi các quyền căn bản của con người hoặc phần rỗi các linh hồn đòi hỏi" (x. GS 76,5). Về mặt luân lý, Hội Thánh có sứ mạng khác với chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì chúng quy hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội.


2421
Học thuyết xã hội của Hội Thánh được phát triển vào thế kỷ thứ XIX khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến, với các cơ cấu mới để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với khái niệm mới về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của lao động và quyền sở hữu. Sự phát triển học thuyết kinh tế và xã hội của Hội Thánh, xác nhận giá trị vững bền của quyền giáo huấn, cũng như cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền Thống luôn luôn sống động và tích cực (x. CA 3).

2422 2044
Học thuyết xã hội của Hội Thánh là tập hợp các lời dạy của Hội Thánh về các biến cố lịch sử, dưới ánh sáng mặc khải của toàn bộ Lời Chúa, và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (x. SRS 1,41). Những người thiện chí dễ dàng chấp nhận giáo thuyết này, khi chúng được các Kitô hữu thể hiện trong đời sống.

2423
Học thuyết xã hội của Hội Thánh đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động:

“Bất kỳ thể chế nào chỉ căn cứ vào các yếu tố kinh tế để quyết định những mối tương quan xã hội, đều nghịch với bản chất của con người và của các hành vi nhân linh (x. CA 24).

2424 2317
Về mặt luân lý, không thể chấp nhận một lý thuyết coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của sinh hoạt kinh tế. Sự ham mê tiền của quá độ đưa đến những hậu quả tai hại. Đây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn trật tự xã hội (x. GS 63,3; LE 7; CA 35).

Những thể chế "đòi hy sinh những quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể" đều đi ngược với phẩm giá con người (x. GS 65). Những gì biến con người thành phương tiện thuần túy để trục lợi, đều nô lệ hóa con người, đưa tới việc tôn thờ tiền bạc và góp phần truyền bá chủ nghĩa vô thần. "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (x. Mt 6,24; Lc 16,13).

2425 676 1886
Hội Thánh phi bác các ý thức hệ chuyên chế và vô thần đang hoạt động dưới hình thức "chủ nghĩa cộng sản" hoặc "chủ nghĩa xã hội". Mặt khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và việc coi luật thị trường là quy luật tối thượng trên lao động của con người, trong cách thực hành của "chủ nghĩa tư bản" (x. CA 10; 13;44). Điều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung sẽ phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội; điều hành chỉ dựa theo quy luật thị trường sẽ vi phạm công bằng xã hội. "Thị trường không thể thỏa mãn được những nhu cầu muôn mặt của con người" (CA 34). Người tín hữu phải tác động vào thị trường và các sáng kiến kinh tế, để có được một điều hành hợp lý dựa trên một bậc thang giá trị đúng đắn và vì công ích.

 


IV. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Activitas oeconomica et iustitia socialis


2426 1928
Phát triển kinh tế và gia tăng sản xuất đều nhằm phục vụ những nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm vào việc gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên là để phục vụ con người: con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ luân lý và công bằng xã hội, để đáp ứng ý định của Thiên Chúa về con người (x. GS 64).

2427 307 378 531
Lao động là công trình trực tiếp của những con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được mời gọi cùng nhau tiếp nối công trình sáng tạo khi làm chủ địa cầu (x. St 1, 28; GS 34; CA 31). Do đó, lao động là một bổn phận: "Ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn" (x. 2 Th 3,1-10;1 Th 4,11). Khi lao động, con người biểu dương các ân huệ của Đấng Sáng Tạo và những tài năng Chúa ban. Lao động còn có giá trị cứu chuộc (x. St 3,14-19). Khi kết hợp với Đức Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và cũng là Đấng chịu đóng đinh trên Đồi Sọ, con người qua những vất vả lao động được cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ. Họ chứng tỏ mình là môn đệ của Đức Ki-tô khi vác thập giá hằng ngày, qua việc chu toàn những bổn phận trong sinh hoạt (x. LE 27). Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và thấm nhuần các thực tại trần thế bằng thần khí của Đức Ki-tô.

2428 2834 2185
Trong lao động, con người sử dụng và thể hiện một phần các khả năng tự nhiên của mình. Giá trị hàng đầu của lao động hệ tại ở chính con người, là tác giả và là người thụ hưởng nó. Lao động vì con người, chớ không phải con người vì lao động (x. LE 6).

Mỗi người có quyền nhờ lao động mà có được các phương thế để nuôi sống bản thân và những người thân, cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại.

2429
Mỗi người có quyền có sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế, sử dụng chính đáng các tài năng của mình để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và gặt hái những hiệu quả chính đáng do các nỗ lực của mình. Họ phải để tâm tuân theo các quy định do chính quyền hợp pháp đề ra vì công ích (x. CA 32,34).

 

2430
Đời sống kinh tế liên can đến nhiều quyền lợi khác nhau, thường đối nghịch nhau, nên thường xảy ra các xung đột (x. LE, 11). Phải cố gắng giải quyết các xung đột bằng thương lượng, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và bổn phận của mọi thành phần xã hội: ban điều hành các xí nghiệp, đại diện công nhân, thí dụ các tổ chức nghiệp đoàn, và đại diện chính quyền.

2431 1908 1883
Trách nhiệm của Nhà Nước. "Hoạt động kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, cần đến những định chế, pháp luật và chính sách. Hoạt động kinh tế phải được bảo đảm bằng tự do cá nhân và quyền tư hữu, ngoài ra phải có hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu. Nhiệm vụ chính yếu của Nhà Nước là bảo đảm sự an toàn để người lao động có thể hưởng hiệu quả công việc làm của họ và do đó họ sẽ cảm thấy được khuyến khích làm việc cách hiệu quả và lương thiện... Nhà Nước cũng có bổn phận giám sát và hướng dẫn việc thực thi nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên trong lãnh vực này trách nhiệm đầu tiên không phải của nhà nước nhưng của các cá nhân, các đoàn nhóm khác nhau và các hiệp hội là thành viên của xã hội (x. CA 48).

2432 2415
Những người lãnh đạo xí nghiệp chịu trách nhiệm trước xã hội về mặt kinh tế và sinh-thái của công việc làm ăn của mình (x. CA 37). Họ quan tâm đến lợi ích của con người chứ không lo gia tăng lợi nhuận. Dĩ nhiên, lợi nhuận cần thiết vì giúp thực hiện những đầu tư bảo đảm tương lai của xí nghiệp và bảo đảm công ăn việc làm của công nhân.

2433
Mọi người phải được quyền làm việc và chọn nghề, không bị kỳ thị bất công, nam hay nữ, người khỏe mạnh hay tàn tật, người địa phương hay người nơi khác (x. LE 19,22-23). Tùy hoàn cảnh xã hội phải giúp đỡ để các công dân có công ăn việc làm (x. CA 48).

2434 1867
Người lao động có quyền hưởng đồng lương công bằng. Không trả hoặc giữ tiền lương lại, là một tội bất công nghiêm trọng (x. Lv 19,13; Đnl 24,14-15; Gcb 5,4). Để định giá tiền lương cho công bằng, phải lưu ý đến các nhu cầu và đóng góp của mỗi người. "Tùy theo nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình một đời sống xứng hợp về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa và tinh thần" (x. GS 67,2). Về phương diện luân lý, sự thỏa thuận giữa chủ và thợ không đủ đễ định mức lương.

2435
Về mặt luân lý, đình công là việc chính đáng, khi đó là một phương thế không tránh được hoặc cần thiết, để đạt được lợi ích tương xứng. Đình công không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi kèm theo bạo động hoặc khi chỉ được dùng nhằm những mục tiêu không trực tiếp liên hệ đến các điều kiện làm việc hay trái nghịch với công ích.

2436
Không đóng góp lệ phí cho những cơ quan an ninh xã hội do chính quyền hợp pháp quy định là điều bất công.

Tình trạng thất nghiệp, đối với nạn nhân, luôn xúc phạm đến phẩm giá của họ và là một đe dọa cho thế quân bình của đời sống. Ngoài sự thiệt hại mà cá nhân người đó phải gánh chịu, thất nghiệp còn đem lại nhiều mối nguy cho gia đình của họ (x. LE 18).

 


V. CÔNG BẰNG VÀ TÌNH LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC QUỐC GIA

Iustitia et solidarietas inter populos


2437 1938
Trên bình diện quốc tế, tình trạng các nguồn tài nguyên và các phương tiện kinh tế không được phân bố đồng đều, đến độ gây nên một "hố sâu" giữa các quốc gia (x. SRS,14). Một bên là những quốc gia có được và phát triển các phương tiện tăng trưởng; bên kia là những quốc gia nợ nần chồng chất.

2438 1911 2315
Ngày nay, "vấn đề xã hội mang một chiều kích quốc tế" (x. SRS 9), vì nhiều nguyên do khác nhau như tôn giáo, chính trị, kinh tế và tài chánh. Giữa các quốc gia vốn có liên hệ chính trị, cần phải liên đới với nhau. Tình liên đới này lại còn khẩn thiết hơn nữa khi phải loại trừ những "guồng máy kinh tế tàn nhẫn" ngăn chặn quá trình phát triển của các quốc gia yếu kém (x. SRS 17,45). Thay vì các hệ thống kinh tài đầy lạm dụng hoặc bóc lột (x. CA 35), những trao đổi thương mại bất công giữa các quốc gia, chạy đua vũ trang, chúng ta phải có một cố gắng chung để huy động các nguồn tài nguyên vào những mục tiêu phát triển luân lý, văn hóa và kinh tế "nhờ xác định lại những quyền ưu tiên và các bậc thang giá trị" (x. CA 28).

2439
Các nước giàu phải có trách nhiệm đối với những quốc gia không có những phương thế phát triển hoặc không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi đát. Đây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái. Đó cũng là một đòi hỏi của công bình, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên của các nước nghèo, nhưng chưa được trả giá đúng mức.

2440
Viện trợ trực tiếp chỉ là phản ứng nhất thời đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai hay dịch tễ. Nhưng viện trợ này không đủ để bù đắp những thiệt hại nặng nề sau tai biến, cũng không thể trường kỳ thỏa mãn các nhu cầu được. Phải cải tổ các thể chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để có thể có được những trao đổi công bằng hơn với các nước chậm phát triển (x. SRS 16). Phải nâng đỡ cố gắng của các nước nghèo đang phấn đấu để phát triển và giải phóng (x.CA 26). Điều này phải được áp dụng đặc biệt trên bình diện nông nghiệp. Nông dân là thành phần nghèo đói đông đảo, nhất là ở thế giới thứ ba.

2441 1908
Nền tảng cho mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người đòi buộc phải nâng cao cảm thức về Thiên Chúa và nhận thức về mình. Sự phát triển này làm gia tăng gấp bội tài sản vật chất để phục vụ con người và tự do, giảm bớt sự cùng khổ và bóc lột kinh tế, tôn trọng bản sắc văn hóa và khai mở chiều kích siêu việt (x. SRS 32; CA 51).


2442 899
Các mục tử của Hội Thánh không có trách nhiệm nhúng tay trực tiếp vào cơ cấu chính trị cũng như việc tổ chức đời sống xã hội. Trách nhiệm này là ơn gọi của giáo dân; họ cộng tác với đồng bào theo sáng kiến riêng mình. Có nhiều đường lối cụ thể rộng mở cho việc tham gia chính trị của họ; nhưng phải luôn nhắm tới công ích và thích ứng với sứ điệp Tin Mừng cũng như giáo huấn Hội Thánh. Người tín hữu có bổn phận "tham gia vào lãnh vực trần thế với sự nhiệt tình của người Ki-tô hữu và sống như những người kiến tạo hòa bình và công lý" (x. SRS 47; SRS 42).

 


2544-2547
VI. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO

Amor pauperum


2443 786 525,544, 853
Thiên Chúa chúc phúc cho ai giúp đỡ người nghèo và kết án ai lãnh đạm với họ. "Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt 5,42) "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy" (Mt 10,8). Đức Giê-su Ki-tô nhận ra kẻ được Người tuyển chọn (x. Mt 25,31-36) qua việc họ đã làm cho người nghèo. Dấu chỉ sự hiện diện của Đức Ki-tô là "kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11,5) (x. Lc 4,18).

2444 1716
"Hội Thánh vẫn luôn yêu thương người nghèo... Đây là truyền thống ngàn đời của Hội Thánh" (x. CA 57). Hội Thánh đã múc nguồn cảm hứng cho tình yêu này từ Tin Mừng của Bát Phúc (x. Lc 6, 20-22), từ chính sự nghèo khó của Đức Giê-su (x. Mt 8, 20) và từ lòng thương xót của Người đối với kẻ nghèo (x. Mc 12,41-44). Tình yêu đối với người nghèo phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tín hữu hoạt động và "làm ăn, để có gì chia sẻ với người túng thiếu" (Eph 4,28). Điều này không phải chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói văn hóa và tôn giáo (x. CA 57).

2445 2536.
Tình yêu đối với kẻ nghèo không thể đi đôi với lòng ham muốn giàu sang quá độ cũng như sử dụng của cải quá ích kỷ:
2547
"Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ thiêu hủy xác thịt các ngươi như lửa. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa Tể càn khôn. Trên cõi đời này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người" (Gcb 5,1-6).

2446 2402.
Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại trách nhiêm này với những lời khẩn thiết: "Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về họ là ăn cắp và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ" (Laz 1,6). "Phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là vì đức công bằng phải đền trả" (x. AA 8).
"Khi tặng những thứ cần thiết cho người nghèo, chúng ta không làm vì lòng quảng đại cá nhân, nhưng là hoàn trả cho họ những gì thuộc về họ. Qua đó, chúng ta chu toàn một trách nhiệm công bằng hơn là thực hiện một hành vi bác ái" (T. Grêgôriô Cả, 3,21).

2447 1460 1038 1969.
Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần (x. Is 58,6-7; Dt 13,3). Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, cũng như tha thứ, nhẫn nhục, chịu đựng là những hành vi bác ái về mặt tinh thần. Công việc từ thiện về mặt vật chất phải kể: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết (x. Mt 25, 31-46). Trong các hành vi đó, bố thí (x. Tb 4,5-11; Kn 17,22) là một trong những chứng cứ chính yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là hành động đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 6,2-4):

1004
"Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3,11). "Tốt hơn, hãy bố thí những gì các ngươi có, rồi thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi" (Lc 11,41). "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?" (Gcb 2,15-16; 1 Ga 3,17).

2448 886 1586.
Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ cho thấy con người sau nguyên tội yếu đuối từ bẩm sinh và cần đến ơn cứu độ. Vì thế, Đức Ki-tô đã chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự đồng hóa với "người bé nhỏ trong các anh em". Ngay từ đầu, Hội Thánh ưu ái đặc biệt những người cùng khổ để nâng đỡ, bảo vệ và giải phóng họ, mặc dù vẫn có nhiều phần tử đã không làm như vậy. Hội Thánh đã thực hiện điều này qua vô số công cuộc từ thiện mà thời nào và ở đâu cũng không thể thiếu" (x "Libertatis Conscientia" 68).

2449 1397
Sách Đệ Nhị Luật khuyến cáo: "Người nghèo không bao giờ vắng bóng trên đất nước. Vì thế, ta truyền cho ngươi: phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo đói, cùng khổ đang sống trên đất nước của ngươi" (Đnl 15,11). Đáp lại lời khuyến cáo này Cựu Ước đã có những luật như: năm toàn xá, cấm lấy lãi và xiết nợ, nộp thuế thập phân, trả lương công nhật, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho. Đức Giê-su cũng tuyên bố: "Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có luôn mãi đâu" (Ga 12,8). Và như vậy, Đức Giê-su không giảm nhẹ lời các ngôn sứ xưa kia: "Chúng dùng tiền để mua người cô thân, mua kẻ nghèo bằng giá một đôi dép" (Am 8,6), nhưng mời gọi chúng ta nhận ra Người trong những kẻ nghèo đói là anh em của Người (Mt 25,40).

786
Khi thánh Rôsa thành Lima bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời: "Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh là chúng ta phục vụ chính Đức Giêsu. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giêsu trong anh em" (Vita).

 


TÓM LƯỢC

Compendium


2450
"Ngươi chớ trộm cắp" (Đnl 5,19). "Những kẻ trộm cắp, tham lam... cướp bóc sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp" (1 Cr 6,10).

2451
Điều răn thứ bảy truyền phải thực thi công bằng và bác ái khi quản lý của cải trần thế và thành quả lao động.

2452
Thiên Chúa sáng tạo vạn vật cho toàn thể nhân loại. Quyền tư hữu không hủy bỏ quyền chung hưởng những của cải này.

2453
Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp. Trộm cắp là chiếm đoạt tài sản của kẻ khác nghịch lại ý muốn chính đáng của sở hữu chủ.

2454
Mọi hình thức chiếm đoạt hay sử dụng tài sản của kẻ khác cách bất công, đều vi phạm điều răn thứ bảy. Bất công đòi buộc phải đền bù. Công bằng giao hoán buộc phải hoàn trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt.

2455
Luật luân lý nghiêm cấm mọi hành vi nô lệ hóa con người vì lợi nhuận hay độc tài, hoặc mua bán, trao đổi họ như hàng hóa.

2456
Đấng Sáng Tạo đã ban cho con người quyền sử dụng tài nguyên khoáng sản, thực vật và động vật trên thế giới. Nhưng họ phải tôn trọng những trách nhiệm luân lý, đối với cả những thế hệ tương lai.

2457
Thiên Chúa trao cho con người quyền trên các thú vật. Con người phải chăm sóc chúng. Và được sử dụng để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người.

2458
Trong lãnh vực kinh tế và xã hội, Hội Thánh có quyền lên tiếng khi những quyền căn bản của con người hay ơn cứu độ đòi buộc. Hội Thánh quan tâm đến công ích thuộc lãnh vực trần thế của loài người, bao lâu công ích này quy hướng vào sự thiện hảo tối cao là cùng đích của chúng ta.

2459
Con người là tác giả, trung tâm và cứu cánh của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội. Mấu chốt của vấn đề xã hội là làm thế nào để của cải Thiên Chúa sáng tạo cho mọi người hưởng dùng, được đến tận tay mọi người theo lẽ công bằng và tương trợ bác ái.

2460
Vì con người vừa là tác giả, vừa là mục tiêu của lao động, nên con người là yếu tố quyết định cho giá trị chính yếu của lao động. Qua lao động, con người tham gia vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Lao động có thể có giá trị cứu độ, nếu con người biết kết hợp với Đức Ki-tô.

2461
Phát triển đích thực là phát triển con người toàn vẹn, giúp họ thêm khả năng đáp lại ơn gọi làm người, nghĩa là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

2462
Bố thí là bằng chứng của bác ái huynh đệ và là hành vi công bằng đẹp lòng Thiên Chúa.

2463
Chẳng lẽ chúng ta không nhận ra Lazarô, người hành khất đói khổ trong dụ ngôn của Đức Giê-su, giữa bao người không cơm áo, không nhà cửa? Chẳng lẽ chúng ta không nghe được tiếng của Đức Giê-su: "Các ngươi đã không làm cho chính Ta?" (Mt 25, 45).

 

 

 

 

 

Trở Về Đầu Trang

 

 

Xin Thiên Chúa là Cha Nhân Từ chúc lành cho
Quý Cha, Quý Tu Sỹ và Quý Anh Chị Em
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ
Phòng Đạo Binh Hồn Nhỏ